Kinh tế

Nghệ An: Hiệu quả mô hình chuyển đổi trồng dưa chuột SL1.2

Xã Diễn Lộc (Diễn Châu - Nghệ An) có diện tích đất trồng trọt nằm ven đường quốc lộ nên rất thuận lợi cho việc tiêu thụ các loại nông sản. Để phát huy thế mạnh của vùng, nâng cao thu nhập cho bà con, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Diễn Châu xây dựng mô hình chuyển đổi sản xuất dưa chuột an toàn theo hướng VietGAP tại xã Diễn Lộc với quy mô 3,5ha.

Dưa chuột SL1.2 phát triển tốt trên đồng đất Diễn Lộc.


Giống dưa chuột SL1.2 có đặc tính sinh trưởng mạnh, phân nhánh nhiều, khả năng ra hoa và đậu quả cao, quả suôn, dài 19-21cm, giòn, ngọt. Sau khi trồng 34-35 ngày là có thể thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài 30 - 35 ngày, nếu trồng tốt có thể đạt năng suất 60-70 tấn/ha.

Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư thiết yếu và được cán bộ chuyên môn tập huấn kỹ thuật, theo dõi chỉ đạo từ khi trồng cho đến thu hoạch. Sau 3 tháng thực hiện, năng suất dưa trong mô hình đạt bình quân 1,5 tấn/sào (500m2), bán với giá 7.500 đồng/kg, tính ra sau 3 tháng, bà con thu lãi 6.175.000 đồng/sào, hiệu quả kinh tế cao gấp 6-7 lần so với sản xuất ngô đông.

Thành công của mô hình là cơ sở để bà con xã Diễn Lộc nói riêng và huyện Diễn Châu nói chung xây dựng cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, từ đó phát huy thế mạnh sẵn có của vùng, đặc biệt là giảm được thiệt hại do sâu bệnh, thời tiết…

Bà con rất phấn khởi vì năm nay mặc dù thời tiết, mưa lụt ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng nhưng đổi lại dưa được mùa, ít sâu bệnh, bán được giá cao. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền mà nông dân đã được tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đưa các giống cây - con mới vào sản xuất.

Tác giả: Trần Thị Hoài Phương
Nguồn Tin: Báo Kinh tế nông thôn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP