Giáo dục

Nghệ An: Hàng trăm cháu bé học cạnh nền kho thuốc sâu

Nhiều năm qua, hàng trăm học sinh và giáo viên Trường tiểu học Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An phải dạy và học trong môi trường nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. Mặc dù biết là vô cùng độc hại, nhưng chính quyền địa phương cũng đành chịu...

copy of 1 1477615312010
Trường tiểu học Diễn Quảng, huyện Diễn Châu. Ảnh: T.Q

Vừa học vừa bịt mũi

Hơn hai năm nay, 8 phòng học thuộc dãy nhà cấp 4 của Trường tiểu học Diễn Quảng (đóng trên địa bàn xóm 1) phải đóng cửa vì mùi thuốc trừ sâu nồng nặc. Điều nghịch lý là hiện nay, nhà trường đang thiếu lớp học trầm trọng.

Được biết, Trường tiểu học Diễn Quảng xây dựng bên cạnh kho thuốc sâu của hợp tác xã cũ từ những năm 1980. Đến năm 2009, khi nhà trường tiến hành đập nền nhà xi măng để lát gạch hoa dãy nhà cấp 4 (có 8 phòng học) và đưa vào sử dụng thì đột nhiên xuất hiện mùi thuốc trừ sâu rất khó chịu. “Hàng ngày, trước khi vào giảng dạy, nhà trường phải cử người đến sớm mở cửa lớp thông thoáng trước, rồi mới cho học sinh vào học. Chưa hết, trong lớp còn mở quạt hết công suất để mong bay hết mùi nhưng vẫn không giải quyết được tình thế. Cho nên, mới có chuyện các thầy cô đến dự giờ phải bịt mũi vì mùi thuốc nồng nặc quá”, cô giáo Lương Thị Trần Anh cho biết.




Theo thông tin chia sẻ của những giáo viên ở đây, có học sinh đã bị choáng, ngất mỗi khi trời oi bức hoặc mưa dông sau đó nắng lên. Còn chuyện các em học sinh (chủ yếu là học sinh lớp 1) vừa học, vừa dùng tay bịt mũi thì diễn ra thường xuyên tại 8 phòng học của dãy nhà cấp 4.
copy of 2 1477615312012
Những dây thép được dựng lên nhằm ngăn các học sinh vào khu vực nguy hiểm.

Cô giáo Đàm Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện tượng này chỉ được phát hiện khi một số phóng viên trong một lần theo đoàn của Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An về kiểm tra công tác dạy học của trường vào cuối năm 2009. Lúc mở cửa phòng truyền thống kiểm tra, mọi người choáng váng khi hít phải mùi thuốc sâu nồng nặc. Lần đó, một vài cơ quan báo chí đã viết bài phản ánh và cơ quan chức năng mới biết. Sau khi vào cuộc kiểm tra, vấn đề đã được làm rõ, vào thời điểm xây lớp, đơn vị thi công đã “vô tình” lấy đất tại khu vực kho thuốc bảo vệ thực vật đổ vào nền nhà các phòng học. Thậm chí, họ còn lấy cát tại khu vực đó làm vữa để xây bờ tường.

Không lâu sau, nhà trường đã đóng cửa 3 phòng học có mùi thuốc sâu nặng nhất, còn 5 phòng mùi ít hơn vẫn để cho các cháu học vì thiếu lớp. “Khổ nhất là biết các phòng ấy có mùi thuốc sâu nhưng cũng ngậm ngùi để các cháu học vì không còn phòng, cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn đủ bề”, cô Lan tâm sự.

Bất lực vì thiếu kinh phí

copy of 4 1477615312013
Bảng cấm được nhà trường dựng nên.

Theo quan sát của chúng tôi, kho thuốc trừ sâu này là của hợp tác xã cũ và nằm ngay trong khuôn viên của nhà trường, cách dãy nhà học của trường khoảng 5m, rộng hàng trăm mét vuông. Trước đây, mảnh đất này được nhà trường tận dụng làm nơi dạy thể dục cho học sinh. Nhưng từ khi phát hiện đó là kho thuốc độc hại, ban lãnh đạo nhà trường bắt buộc phải tìm địa điểm mới để thay thế.

Dẫn chúng tôi xuống dãy nhà cấp 4, cô Chu Thị Hòa, Tổng phụ trách Đội cho biết, dãy nhà này có hai phòng có mùi thuốc trừ sâu, nặng nhất là phòng Truyền thống và phòng Mỹ thuật. Chỉ cần vào ngồi một lúc thì nó xộc lên mũi, rất khó chịu. Nhưng vì trường đang thiếu phòng nên đành chấp nhận để các đồ dùng như trống, cờ trong các phòng này. Cứ đầu tuần lại phải nín thở đến lấy đồ để phục vụ cho các hoạt động của nhà trường. Đến năm học 2015 – 2016, nhà trường đã xin ý kiến của chính quyền, Phòng GD&ĐT để đóng cửa toàn bộ 8 phòng học nghi nhiễm thuốc sâu này. Với việc đóng toàn bộ dãy nhà học cũ khiến nhà trường thiếu trầm trọng phòng học.

Cô giáo Đàm Thị Lan cho biết, hiện toàn trường có 15 lớp với 404 học sinh, 24 cán bộ, giáo viên nhưng chỉ còn 12 phòng học nên rất khó khăn trong việc sắp xếp giảng dạy. “Việc thiếu phòng học đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác giảng dạy và học tập của nhà trường. Chúng tôi đã tận dụng hết các phòng để dạy học, nhưng vẫn không đủ. Do vậy, nhà trường phải dạy hai ca sáng, chiều, từ thứ Hai đến thứ Bảy”, cô Lan cho biết. Cô Hiệu trưởng cũng tâm sự, mong muốn lớn nhất của cô trò nhà trường là các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng có biện pháp xử lý khắc phục để đảm bảo sức khỏe cho các em và không ảnh hưởng đến công tác dạy và học của ngôi trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Huy Ngân, Chủ tịch UBND xã Diễn Quảng cho biết, sau khi nắm được tình hình, tháng 7/2014, UBND xã chính thức có văn bản đề nghị huyện và tỉnh về phương án giải quyết những phòng học bị nhiễm thuốc trừ sâu từ hàng chục năm trước. Đến tháng 2/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn thẩm định, lấy các mẫu đất đi xét nghiệm và kết luận vùng ô nhiễm nặng nằm tại phòng học số 3, 4, 5 có diện tích 120m2, độ sâu tồn lưu 0,7m.

Hướng xử lý sẽ phá dỡ toàn bộ 8 phòng học của dãy nhà cấp 4, bóc nền phòng nơi có phần đất đã nhiễm thuốc trừ sâu và thu dọn mặt bằng. Đồng thời xây dựng bể chôn lấp ngầm dưới lòng đất, sau đó đắp cát phủ toàn bộ vùng này và đổ lớp bê tông đá để cải tạo, làm sân tập thể dục cho học sinh trong trường.

Tuy nhiên, theo như lời của Chủ tịch xã Diễn Quảng phân trần, mặc dù Đề án đã được vạch ra từ lâu nhưng chưa thực hiện được vì thiếu nguồn ngân sách. Để phá bỏ và xây dựng trường mới khi kinh phí lên tới gần chục tỷ đồng. “Lo ngại về vấn đề sức khỏe của các cháu nhưng chúng tôi cũng chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của cấp trên”, ông Ngân nói.

PGS.TS Đào Quốc Hương, Trưởng phòng Hóa vô cơ, Viện Hóa học – Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Thuốc trừ sâu rất nguy hiểm và độc hại với sức khỏe của con người. Do vậy, nếu việc chuyển trường là khó thì cần phải khảo sát lại nồng độ thuốc nhiễm thuốc trừ sâu tại trường học về mức độ phân hủy theo thời gian, hướng gió, nước ngầm ra sao như thế nào mới đánh giá được. Về nguyên tắc, khi vùng đất nào đó nhiễm thuốc trừ sâu ở mức độ nặng thì phải di dời người dân đi nơi khác nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Tác giả bài viết: Thạch Quỳnh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP