2 vị tư lệnh ngành Tài chính và Ngân hàng sẽ đăng đàn trả lời trong ngày trả lời chất vấn đầu tiên |
Theo chương trình phiên chất và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, đầu giờ sáng nay, sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Tiếp đó, các đại biểu tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về các nội dung: Công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế, thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chuyển giá); công tác quản lý trong lĩnh vực hải quan; đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Tiếp đó, từ 15h00 ngày 16/11, cũng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng về việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý. Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Trong quá trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trước đó, chiều 15/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng đã có báo cáo gửi đến các ĐBQH làm rõ các vấn đề được chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư cũng như việc thực hiện “lời hứa” tại Kỳ họp thứ Hai, Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIV. Trong đó đưa ra cam kết:
Xử lý nợ xấu, hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được các ĐBQH liên tục đặt ra trong những năm qua. Trong Báo cáo gửi đến ĐBQH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nêu rõ, trong năm 2016 và 9 tháng năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu, thúc đẩy phát triển thị trường mua, bán nợ. Đây là các văn bản quan trọng góp phần thúc đẩy, khuyến khích tổ chức tín dụng (TCTD) bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo giá trị thị trường; khuyến khích các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ một cách công khai, minh bạch và bình đẳng nhưng vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ khoản nợ.
NHNN cũng đã ban hành một số Thông tư quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân; trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành ngân hàng; trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng... góp phần hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về thanh tra, giám sát, an toàn hoạt động ngân hàng theo hướng phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu về quản lý, phát triển hệ thống ngân hàng trong giai đoạn hiện nay; hỗ trợ tích cực cho công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Việc triển khai Basel II tại Việt Nam cũng được NHNN triển khai tích cực nhằm từng bước tăng cường minh bạch hóa hoạt động ngân hàng theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động của các TCTD tại Việt Nam.
Để tiếp tục kiểm soát, duy trì tỷ lệ nợ xấu ở ngưỡng an toàn và tăng cường xử lý nợ xấu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”. Ngay sau đó, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai trong toàn ngành ngân hàng nhằm quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết và Đề án; đồng thời, ban hành một loạt văn bản chỉ đạo một cách kịp thời, cụ thể, chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới.
Theo đó, các TCTD đang chủ động xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017 - 2022, trong đó, bám sát việc triển khai các cơ chế và biện pháp quy định tại Nghị quyết và bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các giải pháp được nêu tại phương án cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; làm việc với 6 TCTD điểm được lựa chọn và VAMC để quán triệt, chỉ đạo các đơn vị này tập trung triển khai một cách toàn diện các giải pháp tại Nghị quyết 42.
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Công lý