Xã hội

Ngày càng dài ra giấc mơ thoát nghèo

Những tộc người thiểu số ở miền tây Quảng Bình tưởng như đã tìm được cách thoát đói nghèo từ trồng rừng nguyên liệu. Tuy nhiên siêu bão số 10 ập vào đã vò nát giấc mơ đó, phận nghèo ngày càng dài ra.

Người dân rơi vào cảnh khó khăn sau khi cơn bão số 10 quét qua.

Khép lại bao dự định

Để tập cho đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa) cầm cái cuốc, cái rựa lao động thuần thục, bộ đội biên phòng phải mất mấy chục năm vận động họ rời hang đá. Những năm gần đây, ba bản Rục ở Ón, Yên Hợp, Mò o ồ ồ trồng được hơn 100ha keo lai là sự vươn lên trong khó khăn cực kỳ kiên cường. Tuy nhiên bão số 10 đã san phẳng hoàn toàn thành quả họ trồng trọt mấy năm nay.

Trưởng bản Ón, Trần Xuân Tư nói: “Không còn cách gì để khôi phục lại rừng keo lai, chỉ riêng bản em đã có hơn 59ha keo bị gãy đổ, nhiều gia đình nếu không có bão sẽ thu hàng trăm triệu từ cây keo để làm nhà mới, mua sắm vật dụng sinh hoạt, cho con cái ăn học. Nhưng bão vào thì bao nhiêu dự định ước mơ đều tan biến hết rồi”.

Trần Xuân Lành, một người Rục hiền lành, chăm chỉ lao động, vật lộn giữa thung lũng đá vôi từ mấy năm nay để khai hoang đất. 8ha rừng keo của nhà Lành trổ lên xanh tốt, thương lái thấy cách trồng đúng kỹ thuật, vệ sinh bên dưới sạch sẽ đã ra giá 400 triệu đồng cho chỗ keo ấy, Lành chần chừ vì muốn lên đúng giá 500 triệu bởi công sức bỏ ra quá lớn, vay mượn khá nhiều nhưng cuối cùng Lành trắng tay, bão thổi rạp đất, chỉ còn sót lại chừng 300 cây khẳng khiu. Ứa nước mắt Lành nói: “Dân bản em khổ, đời em khổ, muốn thoát nghèo thì em đã hết sức lao động mà sao ông trời không cho lại cướp sạch hết cả rồi”.

Người trồng rừng mất 10 năm phấn đấu vì bão

Xa trên xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa), tộc người Mã Liền quần tụ ở vùng Tài Bạch, Cà Xen, Bãi Cà đang ủ rủ vì rừng trồng bị bão thổi sập gây thiệt hại ngoài sức tưởng tượng của họ.

Hồ Viên có hàng chục héc ta rừng than thở: “Nếu không có bão, bà con có thêm tiền triệu bán keo, nhà mình cũng vậy, mất hàng trăm triệu. Đồng bào rất hy vọng cây keo lai vì không có lúa nước, đất bạc màu, chỉ có cây này lên được mới giúp dân thoát đói, giảm được nghèo, vậy mà giờ bao nhiêu công sức đều bị bão giật mất, không còn lại hy vọng gì vô rừng trồng. Sao ông trời không để cho bà con chút gì mà làm lại từ đầu? Bao nhiêu tính toán đều tan nát hết rồi”.

Kéo lùi 10 năm vươn lên

Toàn tỉnh Quảng Bình có gần 40.000ha rừng trồng bị bão cuốn trắng, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng riêng khoản rừng đổ khiến các hộ dân tái nghèo trở lại, ai chưa thoát nghèo thì lại phải hoàn nghèo, cơ may dường như khép lại, bão đã dập tắt bao ước mơ đổi đời của họ.

Trần Xuân Lành ngao ngán bên rừng keo của mình sau bão

Trên xã rẻo cao Trọng Hóa huyện Minh Hóa, Chủ tịch UBND xã Hồ Phin cho biết: “Bão làm thiệt hại 400 tỷ đồng toàn xã, gồm cây trồng, vật nuôi, nhà cửa. Đặc biệt hơn 2.000ha keo lai là cái cần câu cơm của đồng bào Khùa, Mày Sách bị mất trắng. Nhân dân chúng tôi mất nhiều năm để lao động, sản xuất mới có cuộc sống tạm ổn nhưng bão vào đã kéo lùi 10 năm phấn đấu làm lụng vất vã của toàn xã. Rừng trồng đang đưa lại kinh tế cao, mỗi hộ bình quân 2ha, khi thu hoạch cũng hơn 60 triệu/ha nhưng nay thì dân trắng tay lại phải nhờ Nhà nước trợ cấp”.

Xã Dân Hóa kề cạnh cùng nằm trong đường bão quét khiến công sức xây dựng nhiều năm bị kéo lùi xuống khó khăn.

Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết: “Bão kéo lùi 10 năm phát triển của người dân các bản làng ở đây. Thiệt hại nặng nề là rừng trồng của các hộ dân. Đó là con đường thoát đói nghèo với hàng ngàn hécta rừng trồng, nhưng nay bão làm thiệt hại hoàn toàn. Việc thoát nghèo vì thế mà ngày càng dài thêm quá nhiều”.

Hồ Phòm nói: “Người dân ở đây tìm ra cách trồng cây gì để xóa đói giảm nghèo, đất rừng núi trọc mênh mông thì chỉ có trồng keo là hợp, nhưng vài năm một trận bão vào thì mọi thứ tan hoang. Cứ tưởng cây xanh lên to, gần bán được, thu vài trăm triệu để làm việc lớn như sửa nhà, phát triển thêm sản xuất thì bão vào biến tất cả thành công cóc”.

Xã rẻo cao Dân Hóa, Trọng Hóa bị bão tàn phá

Sâu ở vùng biên giới Việt-Lào thuộc huyện Bố Trạch là xã Thượng Trạch, Chủ tịch UBND xã Đinh Hợp nói: “Mất phải 5 năm mới xây dựng được như khi trước bão. Còn trước mắt 250ha lúa rẫy đã bị bão quật mất hơn 80%. Ở đây có 450 hộ với 2.543 khẩu, bình thường cái ăn thu được mùa thì giải quyết 6 tháng, còn 6 tháng nhờ gạo trợ cấp của nhà nước, nay không chỉ thiếu đói 6 tháng mà là 8 tháng”.

Bà Y Muan người Ma Cong (Thượng Trạch) cho biết: “Bão làm mất mát nhiều quá, Giàng không còn thương bà con nữa rồi. Công sức bỏ ra trên lúa rẫy cực kỳ khổ, vậy mà Giàng cho bão lấy đi, chừ chỉ đi mót lại được hạt nào hay hạt đó”.

Ông Đinh Hợp nói thêm: “Tôi đi thăm rẫy, gặp dân ai cũng hỏi mất mát thế này lấy cái chi để ăn đây bác? Tui chỉ biết động viên dân mình đi tuốt được chẹn nào hay chẹn đó để chống đói trước mắt cái đã, còn sau này thì gạo nhà nước cấp về sẽ phát ngay cho bà con”.

Bên huyện miền núi Tuyên Hóa, ông Hoàng Minh Đề, Bí thư Huyện ủy cho biết, bão số 10 đã kéo lùi việc xây dựng phát triển các thôn xã rất nhiều năm. Cấp ủy và chính quyền địa phương vẫn xác định kinh tế lâm nghiệp là cực kỳ quan trọng để xóa đói giảm nghèo, do đó trước mắt chỉ đạo động viên nhân dân thu hoạch rừng trồng gãy đổ, cung cấp giống cho bà con khôi phục lại rừng sản xuất để tiếp tục ổn định đời sống.

Trong khi đó, vấn đề ở huyện rẻo cao Minh Hóa thì giấc mơ thoát nghèo của người dân ngày càng dài ra do bão vùi. Với quyết tâm cao vực dậy cuộc sống sau thiên tai, ông Đoàn Ngọc Lâm - Bí thư Huyện ủy Minh Hóa nhấn mạnh, huyện chỉ đạo sau khi thu hồi rừng trồng bị bão dập thì khôi phục lại số rừng bị thiệt hại, quán triệt các địa phương cũng như người dân chú trọng chuyển đổi từ rừng nguyên liệu sang trồng rừng gỗ lớn cho năng suất cao, chống chịu với bão lớn nhằm từng bước thoát nghèo bền vững.

Tác giả: MINH PHONG

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

  Từ khóa: thoát nghèo , giấc mơ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP