Kinh tế

Ngành than tồn kho lớn, "vựa than" 4 tỉnh phía Bắc bị kiểm tra

Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, cơ quan này vừa lập Đoàn kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn 4 tỉnh là Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và Hải Phòng. Hai đối tượng kiểm tra chính là Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc, ngoài ra còn một số doanh nghiệp khai thác than nhỏ lẻ khác ở các địa phương nói trên.

Cụ thể, theo quyết định mới được ký phê duyệt, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giao cho ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) làm trưởng đoàn kiểm tra, 14 thành viên còn lại là những người nắm các chức vụ chuyên môn tại Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, các tỉnh và của TKV.

Ngành than sắp tới sẽ bị kiểm tra (ảnh minh hoạ)

Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, thời điểm kiểm tra hoạt động than tại các địa phương được chia làm 3 đợt, đợt đầu là giữa tháng 11/2017 và cuối kết thúc vào đầu tháng 12/2017.

Quá trình kiểm tra sẽ làm việc với các tỉnh, kiểm tra hoạt động của các địa phương có hoạt động sản xuất, kinh doanh than....và các DN đang tồn kho than nói trên.

Trước đó, trong tháng 5/2017, ngành than đã gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành liên quan xin giảm thuế xuất khẩu đối với than xuất khẩu xuống dưới 10% để hỗ trợ sản xuất than trong nước.

Tuy nhiên, góp ý với Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, mặt hàng than các loại có khung thuế suất 10-45%. Thuế xuất khẩu than các loại là 10-15%, trong đó than đá là 10%, mức thấp nhất của khung thuế suất do Quốc hội quy định. Chính vì thế, việc giảm thuế xuất khẩu xuống dưới 10% là vượt thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cũng trong một văn bản liên quan, Bộ KH&ĐT đã có Báo cáo rà soát kế hoạch phát triển từng ngành công nghiệp gửi lên Chính phủ, trong đó nói rõ ngành than trong nửa năm 2017 đã sản xuất lượng than sạch ước đạt 20,6 triệu tấn, tăng 2,8% cùng kỳ năm trước nhưng chỉ bằng khoảng 44,5% kế hoạch năm.

Vấn đề đáng lo là Bộ KH&ĐT cho rằng: Tồn kho than nửa năm 2017 theo báo cáo là khoảng 10,22 triệu tấn, trong đó Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) khoảng 9,3 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc khoảng 920 nghìn tấn.

Bộ này sau đó đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra cụ thể cơ cấu giá than hiện nay, tác động từ việc điều chỉnh các loại thuế trong năm 2017 tới giá thành sản xuất, đồng thời giao TKV và Công ty Than Đông Bắc báo cáo cụ thể về việc tiết giảm chi phí năm 2017 để đánh giá hiệu quả hoạt động.

Một diễn biến đáng chú ý khác là, thời gian vừa qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và TKV, cùng Than Đông Bắc có tranh luận dài về giá mua và bán than. Các bên không thống nhất, EVN sau đó đã đề xuất Chính phủ và thông báo ngừng mua thêm 2 triệu tấn than của TKV từ chỗ 19,92 triệu tấn, giảm xuống còn 17,92 triệu tấn.

Thông báo, kiến nghị của EVN đã tác động ngay đến TKV. Lãnh đạo TKV sau đó cho biết việc EVN thông báo giảm mua than trong nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này trong năm nay. Theo tính toán từ TKV sẽ có khoảng 4.000 công nhân, lao động của TKV có nguy cơ thất nghiệp.

Tuy nhiên, đầu tháng 9/2017, dưới sự dàn xếp của Bộ Tài chính, bên bán là TKV, Tổng công ty Đông Bắc và bên mua là EVN đã ngồi lại với nhau, chính thức thống nhất được giá mua than cho giai đoạn tới, thời gian thực hiện là từ ngày 01/09/2017.

Mặc dù giá bán than cho EVN đã được giải quyết, song tồn kho ngành than hết tháng 10/2017 vẫn còn khá cao. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tồn kho than sạch của TKV hết tháng 10 khoảng 9 triệu tấn, giảm 0,8 triệu tấn so với tháng trước.

Dù lượng tồn kho than giảm so với thời điểm cuối năm 2016 (12 triệu tấn) song với lượng tồn kho 2 năm liên tiếp còn lớn, kéo theo hiệu quả kinh doanh của ngành than giảm sút, điều này ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành và của cả nền kinh tế.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP