Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. (Ảnh Việt Hưng). |
Phát biểu tại buổi thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) được kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV xem xét, thảo luận vào 26/10, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) lo ngại: “Quyền lợi của người gửi tiền sẽ được bảo đảm như thế nào? Những ngân hàng lớn, khi bị phá sản, nguy cơ, sự ảnh hưởng tới an toàn hệ thống, những tác động tiêu cực tới xã hội là rất lớn”.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng đề nghị, trong trường hợp cho phá sản các TCTD thì cần làm rõ việc có chi trả đầy đủ cả gốc và lãi cho người gửi tiền hay không.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) thì cho rằng, việc phá sản ngân hàng có thể tác động tiêu cực tới tâm lý người gửi tiền cá nhân ồ ạt rút tiền, điều này có thể gây đổ vỡ dây chuyền với hệ thống ngân hàng. Nếu bắt buộc phải phá sản TCTD là bắt buộc thì dự thảo luật cần phải có quy định rõ hơn về các phương án phá sản áp dụng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.
"Ở địa phương hiện có vấn đề về bảo hiểm tiền gửi. Theo quy định mức chi trả bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng, trong khi người gửi tiền thực tế lên hàng tỷ đồng, nên không có ý nghĩa thực tiễn. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại quy định về mức chi trả bảo hiểm tiền gửi khi thực hiện phá sản ngân hàng", bà Thơ nói.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) thì cho biết, theo quy định kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước không cho phá sản TCTD để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Theo dự thảo luật, đối với phương án chuyển giao bắt buộc, đối tượng bị chuyển giao bắt buộc phải là TCTD chuyển giao bắt buộc.
"Trong trường hợp, ngân hàng có quy mô khách hàng lớn, nếu thực hiện phá sản, nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội rất cao. Trường hợp này ở các nước, Nhà nước sẽ thực hiện vai trò là người mua cuối cùng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém này để xử lý. Do vậy, cần cân nhắc thêm quy định xử lý trường hợp không thực hiện quyền chuyển giao bắt buộc nhưng không thực hiện phá sản TCTD yếu kém do tác động của nó mang lại”, đại biểu Tùng góp ý.
Một số đại biểu cũng cho rằng, cần có nghiên cứu toàn diện, giải pháp phù hợp từng thời điểm với từng TCTD nhằm đảm bảo quyền của người gửi tiền, tránh tình trạng người gửi tiền rút tiền ồ ạt, gây hậu quả lớn đến nền kinh tế và xã hội.
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Thống đốc Lê Minh Hưng lo ngại việc phá sản TCTD có thể dẫn đến nguy cơ người gửi tiền rút tiền ồ ạt lan chuyền, đe dọa đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
“Do vậy, chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng khi TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc”, người đứng đầu ngành ngân hàng giải trình.
Theo Thống đốc, để tránh đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống các TCTD, bảo đảm lợi ích của người gửi tiền, không ảnh hướng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Chính phủ có thể quyết định áp dụng việc chi trả vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp phá sản TCTD.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khẳng định, nguồn sử dụng để hỗ trợ chi trả sẽ không dùng ngân sách Nhà nước theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, mà có thể sử dụng các nguồn lực Nhà nước khác để xử lý vấn đề này.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí