Thế giới

Nga có học thuyết an ninh thông tin mới

Ngày 6-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký nghị định phê duyệt Học thuyết an ninh thông tin - một hệ thống các quan điểm chính thức bảo đảm an ninh quốc gia Nga trong lĩnh vực thông tin.

Nga hi vọng sẽ giữ được vị thế siêu cường nhờ học thuyết an ninh thông tin mới - Ảnh: Reuters


Học thuyết này thay thế cho văn kiện tương tự có từ tháng 9-2000, được cho là đã lạc hậu.

Để là siêu cường trong thế giới hiện đại, không chỉ cần có quân đội mạnh, không quân, hải quân hùng hậu mà còn cần những binh đoàn thiện chiến trên không gian điều khiển, bảo đảm an ninh thông tin. Mỹ, Trung Quốc đã chứng minh điều này, và giờ là Nga.

Mặt trận an ninh 
thông tin có gì mới?

Cùng với tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, diễn biến tình hình trên mặt trận an ninh thông tin ở các nước những năm gần đây có nhiều thay đổi.

Năm 2011, Nhà Trắng tuyên bố bất cứ cuộc tấn công mạng nào vào Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ được Washington xem như hành động thù địch, sẽ bị đáp trả bằng những biện pháp nghiêm trọng nhất - kể cả trừng phạt kinh tế và hành động quân sự.

Hiện nay, Bộ chỉ huy không gian điều khiển Hoa Kỳ (Cyber Command), thành lập năm 2009, có nhiệm vụ điều hành tất cả các hoạt động trên mặt trận kỹ thuật số.

Cho đến năm 2015, các văn kiện chiến lược Hoa Kỳ tuy không nêu đích danh ai là kẻ thù của Mỹ trên không gian điều khiển, nhưng Trung Quốc luôn được ngầm hiểu là đối thủ tiềm năng nhất.

Là bởi, bị người Mỹ dẫn trước về số lượng tàu chiến và máy bay, Trung Quốc quyết tâm giành ưu thế trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Chiến lược chiến tranh mạng đã được Bắc Kinh thảo ra từ năm 1995, trong khi Bộ chỉ huy các lực lượng trên không gian điều khiển đã được tổ chức trước người Mỹ tới chín năm.

Thời gian qua, giữa hai nước đã diễn ra một số cuộc “đụng độ” trên không gian điều khiển, mà trận chiến công khai đầu tiên được cho là vào năm 2010, khi một nhóm hacker tấn công vào 35 công ty Hoa Kỳ, trong đó có Google, Northrop Grumman, Symantec, Yahoo... để lấy cắp các thông tin quý về quân sự và công nghệ.

Đến năm 2016, có vẻ như Nga đã trở thành đối thủ không kém nguy hiểm dù trước đó, năm 2013, dưới sự chứng kiến của hai tổng thống Nga, Mỹ, hiệp ước không tấn công mạng giữa hai nước đã được ký kết.

Báo chí Hoa Kỳ gần đây dẫn các “nguồn tin độc lập” cho rằng Nga đã tác động vào kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.

Trước đó, báo chí Mỹ và phương Tây không ít lần viết về hoạt động của các nhóm hacker Nga thân Kremli tiến hành các hoạt động dò thám chính trị và quân sự chống lại Mỹ, EU và NATO...

“Phân khúc Nga” 
trên Internet

Trong học thuyết an ninh mạng mới, Matxcơva khẳng định một trong những yếu tố chính tác động lên tình trạng an ninh thông tin là việc gia tăng khả năng của một loạt các nước ngoài tác động vào hạ tầng thông tin của Nga cho các mục đích quân sự.

Không chỉ thế, học thuyết ghi nhận xu hướng gia tăng trên các phương tiện truyền thông đại chúng nước ngoài thông tin định kiến về Nga, phân biệt đối xử với truyền thông Nga (thể hiện qua nghị quyết mới đây của EU về các kênh truyền hình quốc tế Nga là Russia Today và Sputnik), cản trở tác nghiệp của các nhà báo Nga.

Cần nhắc là trong thời gian qua, Nga đã từng bước xây dựng nền tảng an ninh thông tin, mà một trong những biện pháp là chỉ thị ngày 22-5-2016 của tổng thống Nga yêu cầu chuyển đổi phân đoạn Internet cho các cơ quan nhà nước Nga.

Theo đó, “để bảo đảm an ninh thông tin, phân khúc mạng quốc tế Internet đối với các cơ quan liên bang của chính quyền Nga và các cơ quan chính quyền của các chủ thể Nga nằm dưới thẩm quyền của Cơ quan an ninh liên bang Nga sẽ được chuyển thành phân khúc nhà nước Nga, và là một thành phần của mạng Internet Nga”.

Quản lý phân khúc này được giao cho Cơ quan an ninh liên bang Nga. Chỉ thị cũng yêu cầu các dữ liệu truyền đi trên phân khúc Nga của Internet sẽ được thực hiện “thông qua các kênh an toàn” do Cơ quan an ninh liên bang cung cấp.

Trước đó, từ tháng 7-2015, Hạ viện Nga cũng đã ban hành lệnh cấm đặt các trang web của các cơ quan nhà nước Nga trên các máy chủ ở nước ngoài. Vi phạm lệnh cấm này có thể bị phạt lên tới 50.000 rúp.

Lý do lệnh cấm này được ban hành sau một khảo sát ngẫu nhiên 9.000 trang web của các cơ quan nhà nước và các tổ chức phi thương mại. Kết quả, hơn 1/3 trong số này sử dụng máy chủ nước ngoài, đe dọa an ninh thông tin Nga.

Học thuyết cũng thừa nhận thực tế là “mức độ lệ thuộc cao của Nga với nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ sở thành phần điện tử và phần mềm”.

Trên cơ sở này, học thuyết đề ra phương hướng chiến lược là kiềm chế và ngăn chặn xung đột quân sự, có thể xảy ra do ứng dụng công nghệ thông tin; hoàn thiện hệ thống phần mềm an ninh thông tin của Nga.

Tác giả bài viết: Duy Văn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP