Giáo dục

Nếu học sinh không học thêm sẽ khó có kết quả học tập khả quan

Với chương trình học như hiện nay, học sinh không tham gia học thêm sẽ khó có kết quả học tập khả quan.

LTS: Dường như chuyện dạy thêm, học thêm “xưa nhưng chưa cũ”. Có người còn cho đây là một biểu hiện tiêu cực của ngành giáo dục. Quan điểm này đã thỏa đáng chưa?

Hôm nay, thầy giáo Trần Sơn thẳng thắn chỉ ra ý kiến của mình về vấn đề này. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.


Cách đây không lâu, tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ GD&ĐT, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn chấn chỉnh, nghiêm cấm tình trạng dạy, học thêm ở trường ngay trong năm học 2016-2017.

“Hội nhập thì sao phải còn chạy trường, chạy lớp. Hội nhập mà còn dạy, học thêm là không được”, Bí thư Thăng nói.

Vấn đề dạy thêm – học thêm đã được báo chí, dư luận bàn đến nhiều trong thời gian qua. Tưởng như câu chuyện này đã tạm lắng xuống thì lời phát biểu của vị Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, lại một lần nữa, hâm nóng chủ đề “nhạy cảm” này.

hoc
Với thiết kế chương trình, sách giáo khoa, cách kiểm tra, đánh giá, thi cử như hiện tại thì học thêm là một nhu cầu có thật đối với học sinh. (Ảnh: Trần Sơn)

Thực tế hiện nay, ngoài thời gian học chính khóa, ngoại khóa ở trường, học sinh còn phải “gồng” mình tại các điểm học thêm.

Chính vì điều đó, một số ý kiến cho rằng cần phải cấm giáo viên tổ chức dạy thêm để “giảm tải” cho học sinh.

Thậm chí, một số ý kiến khác cho rằng giáo viên tổ chức dạy thêm là không có tâm, chỉ biết tiền, không đáng được tôn trọng. Đây là cách nhìn nhận vội vàng, đầy thiên kiến.

Người viết bài này cho rằng cần có một cái nhìn khách quan, công bằng và thấu đáo hơn đối với việc dạy thêm-học thêm.

“Nhu cầu thực tế của người học”

Chưa có một cuộc nghiên cứu nghiêm túc nào về vấn đề học thêm. Thế nhưng, giả sử có một cuộc khảo sát trên học sinh toàn quốc, học sinh được yêu cầu trả lời câu hỏi: “Có nhu cầu học thêm không?”, chắc chắn câu trả lời là CÓ sẽ nhiều hơn rất nhiều câu trả lời KHÔNG.

Bởi vì, với chương trình học như hiện nay, học sinh không tham gia học thêm sẽ khó có kết quả học tập khả quan.

Ngay cả với các em có tố chất thông minh bẩm sinh, nếu không học thêm sẽ khó đỗ vào các trường đại học.

Một bạn đọc chia sẻ trên một trang thông tin của Bộ GD&ĐT như sau:

“Trong những năm đang còn là học sinh phổ thông bản thân tôi cũng đã từng tự nguyện đi học thêm với giáo viên của mình bởi những quan điểm như sau:

1. Thầy giáo, cô giáo trực tiếp dạy mình thì người đó chính là người hiểu được bản chất, trình độ năng lực của mình nhất cho nên trên lớp học mình cũng phải thông cảm cho giáo viên vì thời gian có hạn, số lượng học sinh nhiều cho nên không thể cùng một lúc truyền đạt được hết kiến thức cho học sinh.

Vì vậy, nếu chúng ta đi học thêm thì giáo viên có được thời gian để truyền đạt thêm những kiến thức mà ở trường giáo viên không đủ thời gian để truyền đạt.

2. Trong học tập cũng như trong công việc, nếu nếu mình càng khám phá thì nguồn kiến thức hiểu biết càng rộng lớn thêm, như chúng ta thường nghe đâu đó thầy, cô, cha ông thường nói.

Có câu khẩu hiệu treo ở các lớp học rằng "càng học càng thấy mình càng dốt", chính vì đó cho nên học thêm để có điều kiện tìm tòi, nghiên cứu thêm những điều mình chưa khám phá được từ những người thầy đã bao nhiêu năm đúc rút, để từ đó chúng ta có được những kinh nghiệm áp dụng vào cuộc sống”.

Còn trong một bài viết trên báo Nhân Dân, tác giả Trần Phương viết:

“Thực tế dạy thêm, học thêm sinh ra và đang tồn tại là từ nhu cầu thực tế của người học, bởi đó cũng là một nhân tố để nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh áp lực thi cử khá lớn, khả năng tiếp thu của học sinh lại có phần hạn chế...

Qua khảo sát, không khí học tập ở nhiều lớp học thêm là nghiêm túc, học sinh say mê học tập.

Nhiều lớp học đóng vai trò cầu nối để cho nhiều học sinh phổ thông bước vào giảng đường đại học. Một số em học sinh yếu kém cũng vươn lên khá giỏi nhờ các thầy cô dạy phụ đạo”.

Đừng đổ lỗi hoàn toàn cho người dạy

Có ý kiến cho rằng dạy thêm có lợi cho cả hai bên (học sinh-giáo viên) là vừa nâng thu nhập bằng sức lao động của mình, vừa nâng cao chất lượng học sinh, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh là việc nên làm. Cấm đoán là phiến diện.

Tuy nhiên, ngoài việc học thêm xuất phát từ nhu cầu thật sự của học sinh, cũng tồn tại tình trạng tiêu cực ở một bộ phận giáo viên trong việc dạy thêm.

Một số giáo viên “ép” học sinh phải học thêm mình bằng cách gây áp lực lên học sinh theo một cách nào đó, chẳng hạn như qua việc cho điểm hay ra đề kiểm tra…

Còn một số học sinh lười học thì đi học thêm cũng là một cách để “đối phó” với giáo viên. Bởi vì khi học thêm môn thầy cô dạy mình trên lớp, các em nghĩ rằng sẽ được thầy cô “nâng đỡ”, ưu ái hơn.

Bạn đọc Đỗ Vương nêu ý kiến trên báo điện tử Vnexpress.net rằng: “Là một giáo viên phổ thông, tôi thấy tình trạng dạy thêm tràn lan như hiện nay là đáng lo ngại, nó bào mòn tư duy sáng tạo của lớp trẻ.

Nhưng gốc rễ của nó nằm trong cách thi cử, bệnh thành tích (không chỉ của ngành giáo dục mà còn của cả tâm lí sính thành tích của phụ huynh nữa).

Đã nhiều năm trực tiếp làm công tác giảng dạy, tôi thấy rằng việc học thêm, về cơ bản, không phải là lỗi của học sinh; cũng như việc dạy thêm, về cơ bản, không phải là lỗi của giáo viên.

Một cách thẳng thắn, nếu nói lỗi ở ai, thì theo tôi là lỗi ở… nền giáo dục của chúng ta. Với thiết kế chương trình, sách giáo khoa, cách kiểm tra, đánh giá, thi cử như hiện tại mà học sinh không học thêm mới là chuyện lạ”.

Vì vậy, để hạn chế học thêm nhằm dành cho học sinh có nhiều thời gian hơn để phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và cả vui chơi lành mạnh nữa.

Thiết nghĩ cần phải có sự đổi mới căn bản nền giáo dục nước nhà như lời tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ là một nền giáo dục với mục tiêu là con người chứ không phải mục tiêu là bằng cấp.

Tác giả bài viết: Trần Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP