Dậy sóng Kiến Giang
Cứ mỗi dịp tháng 8 về, người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) lại được sống trong không khí rộn ràng của ngày hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Đây là lễ hội tồn tại hàng trăm năm, nhưng từ năm 1946 về sau, Lễ hội được chuyển sang tổ chức vào ngày 2/9, ngày Tết Độc lập của dân tộc. Người dân Lệ Thủy luôn tự hào, náo nức mong chờ đến ngày lễ hội để được sống trong không khí rộn ràng của ngày tết lớn nhất trong năm.
Những cụ cao niên ở thôn Lộc Thượng (xã An Thủy) kể lại, người dân Lộc Thượng sinh sống trên vùng đất này khoảng 600 năm trước. Người dân thôn Lộc Thượng cũng như nhiều thôn, làng khác của huyện gắn bó hai bên bờ Kiến Giang thơ mộng. Ngày xưa, mảnh đất chiêm trũng Lệ Thủy, đường bộ rất khó khăn, nên sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân đều gắn với con thuyền gỗ trên sông nước.
Cuộc sống lao động, sản xuất của người dân trên những con thuyền dần dần hình thành nên những kỹ năng nghệ thuật chèo thuyền, bơi thuyền. Xuất phát từ đời sống đó, ngày hội đua thuyền truyền thống hình thành trên sông Kiến Giang. Đi liền với đua bơi là các làn điệu: Mái khoan, mái xắp, mái đẩy...được xướng lên để điều tiết sức trai, sức gái trên đường đua. Hội đua thuyền truyền thống dân gian đặc sắc của người dân vùng sông nước nơi đây đã gắn liền với ngày Tết Độc lập của đất nước.
Những chiếc thuyền tập và đua thử trên sông. |
Dọc hai bên sông Kiến Giang, mỗi thôn chọn một vị trí để dựng nhà bạt đặt thuyền và lập bàn thờ tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân, thờ thần trời, thần đất, thần sông, cầu cho quá trình đua thuyền diễn ra an toàn và giành được giải cao.
Ông Nguyễn Hồng Thắm (63 tuổi, thôn Lộc Thượng, xã An Thủy) kể lại: “Ngày trước, người Lệ Thủy dùng đò để phục vụ lao động sản xuất để đi đua, bơi; sau này các thôn, xã mua sắm đóng riêng thuyền bơi đua chuyên dụng, có mực thước hẳn hoi. Cha ông có quan niệm khi hạ cội thân gỗ đổ xuống mà bay cách xa cội càng nhiều thì chọn cây gỗ đó làm thuyền đua, bơi. Mỗi thôn đặt đóng thuyền cho các thợ một cách riêng, giá mỗi thuyền đua (dành cho nam) tầm 200 triệu đồng, thuyền bơi (dành cho nữ) thì ngắn và hẹp hơn nên giá có ít hơn.
Thôn Lộc Thượng làm lễ hạ thuyền vào đầu tháng 8 để tập luyện. Mỗi ngày, trai đua, gái bơi sẽ tập 2 buổi sáng và chiều, mỗi buổi tập sẽ đi một vòng theo đường đua (26km). Những thôn khác của xã An Thủy hạ đò cho các thuyền viên tập luyện muộn hơn ít ngày.
Tháng 8, trên sông Kiến Giang, các đò bơi, đua thi nhau tập luyện, mỗi thôn có xuồng máy chở nước uống và tung cờ chạy theo khích lệ. Trên bờ, người dân trong thôn đứng cổ vũ từng tốp, nhiều người còn chạy xe máy theo thuyền để hò hét động viên. “Không khí tập luyện 1 tháng, nhưng mỗi lần xuống đò là anh em cùng nhau dốc sức như thi đua thật, khẩn trương, nghiêm túc. Trai bơi là những người trong thôn được ban tổ chức trong thôn chọn lựa nên rất vinh dự, có người đi làm xa phải xin nghỉ việc về để tham gia. Tháng tập luyện, các tay bơi được thôn hỗ trợ 2 bữa ăn tập trung ở nhà văn hóa, họ phải kiêng uống rượu, bia để giữ sức khỏe”, ông Thắm cho biết.
Nét đẹp lễ hội dân gian
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là một nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào từng con người ở vùng đất này. Bởi vậy, các thôn, các xã tham gia đua bơi ngoài tiếp tục truyền thống còn vì danh dự của thôn, của xã. Kinh phí mua sắm, tổ chức tập luyện của các thôn, xã rất lớn và được địa phương kêu gọi con em xa quê ủng hộ tùy tâm.
Anh Nguyễn Văn Đỉnh (xã Hồng Thủy) đi xem tập luyện cho biết, điều kiện mỗi thôn khác nhau, có thôn con em và người dân ủng hộ nhiều thì họ mua thuyền mới, còn không thì họ dùng thuyền năm trước để tập và thi. Có nhiều thôn mạnh lắm, ban tổ chức kêu gọi con em ủng hộ quyên góp được tới 6-7 trăm triệu đồng.
Những chiếc đò đua, đò bơi “đầu rồng, đuôi phượng”. |
Để không phụ lòng của gia đình, bà con trong thôn ủng hộ, nhiều thôn trai đua, gái bơi đã tổ chức hội thề quyết tâm tập luyện để đoạt giải. Trong đó, trai bơi thôn Lộc Thượng (xã An Xá) tổ chức hội thề và mỗi thuyền viên đóng 1 triệu đồng, nếu đoạt giải thì rút tiền về, không đoạt giải sẽ bổ sung vào quỹ đóng góp.
Năm nay, kỷ niệm 73 năm mừng Quốc khánh 2/9 của đất nước, các đội thuyền sẽ tranh tài cùng nhau. Dù thắng hay thua thì người dân cũng đều vui bởi không khí náo nhiệt của ngày Tết ộc lập, con cháu bốn phương đều quy tụ, hân hoan. Tết Độc lập của người dân Lệ Thủy cũng có bánh trái, cỗ bàn, phần lễ gồm mít tinh và phát động thi đua…đã thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân ’’xứ Lệ’’.
Ông Lê Văn Bảo – Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, đây là lễ hội có từ lâu đời, có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, làm ăn thuận lợi; thể hiện tâm linh, ý chí chinh phục thiên nhiên của con người Lệ Thủy. Hoạt động lễ hội xã hội hóa mang tính dân gian đặc sắc, giữa vận động viên trên sông và người dân trên bờ cổ vũ không có khoảng cách. Hàng vạn người hòa mình trong không khí lễ hội, thể hiện tinh thần đoàn kết và phong trào của toàn dân trong cuộc sống. “Năm nay, lễ đua thuyền cơ bản giống các năm trước, tuy nhiên thời gian có kéo dài hơn để quảng bá khách du lịch trong nước và nước ngoài có thời gian về với Lệ Thủy được dài hơn để cảm nhận được sự tuyệt vời của cảnh đẹp vùng đất giàu văn hóa dân gian này. Từ lễ hội cấp tỉnh, chúng tôi mong muốn lễ hội đua thuyền tiến đến được công nhận là lễ hội cấp quốc gia”, ông Bảo nói.
Không chỉ mừng Tết Độc lập, lễ hội bơi thuyền trên sông Kiến Giang còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân vùng quê sông nước và nét độc đáo, đặc trưng của vùng đất Lệ Thủy đối với du khách mỗi khi có dịp ghé nơi đây. “Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, trong đó có các đò bơi nhỏ, trang bị áo phao cho du khách làm thuyền viên đua bơi trải nghiệm khi về với dòng Kiến Giang cũng mang lại nét khác biệt”- Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy nhắn nhủ.
Tác giả: Thanh Hà
Nguồn tin: Báo Infonet