Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội tối 18-11, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 được tổ chức tại Papua New Guinea.
Trong 2 ngày 17 và 18-11, Thủ tướng đã có chương trình làm việc với cường độ cao, bao gồm: dự, trao đổi, chia sẻ ý kiến tại các phiên họp kín, phiên ăn trưa làm việc của các nhà lãnh đạo APEC, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), với lãnh đạo 14 quốc đảo Thái Bình Dương, Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) và có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Thủ tướng New Zealand, Vanuatu, Thái Lan, lãnh đạo một số quốc đảo Thái Bình Dương, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (Trung Quốc); tiếp Liên minh các doanh nghiệp Mỹ trong APEC, bao gồm một số tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông - Trung Quốc, chiều 18-11. Ảnh: TTXVN |
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, việc tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúng vào dịp kỷ niệm tròn 20 năm Việt Nam gia nhập APEC (1998-2018) đã tiếp tục nâng tầm vị thế, vai trò của Việt Nam tại diễn đàn khu vực quan trọng này.
Tại các phiên họp, Thủ tướng đã phát biểu mạnh mẽ về thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư, ủng hộ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), liên kết kinh tế, phát triển bền vững, bao trùm và chuyển đổi nền kinh tế số. Thủ tướng nêu rõ APEC cần tiếp tục tạo các động lực mới cho tăng trưởng, thương mại, đầu tư, kết nối và phát triển bao trùm, để mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau, cùng được thụ hưởng thành quả của toàn cầu hóa và liên kết kinh tế trong kỷ nguyên số. Trong bối cảnh mới cần tiếp tục củng cố, cải cách và đề cao vai trò WTO.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí về tận dụng các cơ hội phát huy tương lai số và các hành động về kinh tế số, đẩy mạnh hợp tác xây dựng năng lực, phát triển kỹ năng, tiếp cận cơ sở hạ tầng số nhằm thu hẹp khoảng cách số; nhấn mạnh sự tham gia, sáng tạo của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa và mọi thành phần xã hội. Hội nghị nhất trí tiếp tục thúc đẩy thương mại, đầu tư mở và tự do, cải cách cơ cấu gắn với kinh tế số, nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức trong xã hội về phát triển kinh tế số. Các thành viên cam kết thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, đặt lợi ích của người dân vào trung tâm của mọi chính sách; triển khai Chương trình hành động APEC 2017 về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội đến năm 2030 gắn với thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs).
Tác giả: LỤC SAN
Nguồn tin: Báo Người lao động