Trong nước

Nâng cao vai trò và vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế

Tham dự các hoạt động của IPU-138 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội.

Thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2018 của Lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Gabriela Cuevas Barron, Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu sẽ tham dự Đại Hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-138) và các hội nghị liên quan từ ngày 24 - 25/3 tại Genève, Thụy Sỹ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại IPU 137 (Ảnh: TTXVN)

Việc tham dự các hoạt động của IPU-138 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại Hội đồng lần thứ 138 tại Thụy Sỹ sẽ tham gia những hoạt động của Ban Chấp hành, các Ủy ban và diễn đàn của IPU nhằm tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Quốc hội Việt Nam tại IPU, qua đó góp phần bảo đảm và thúc đẩy lợi ích quốc gia. Đặc biệt thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XII của Đảng là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp định hình các thể chế đa phương.

Dự kiến, tại Đại Hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện thế giới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ có bài phát biểu quan trọng trong phiên thảo luận chung với chủ đề: “Tăng cường cơ chế toàn cầu về người di cư: Cần có những giải pháp chính sách căn cứ trên thực tiễn”.

Các đại biểu thành viên trong Đoàn sẽ tham dự các hoạt động trong khuôn khổ IPU-138, tham dự các cuộc họp của Ban Chấp hành IPU, Đại Hội đồng, các Ủy ban Thường trực của IPU, Nhóm địa chính trị Châu Á-Thái Bình Dương (APG) và Hội đồng Điều hành, Hiệp hội Tổng Thư ký ASGP.

Tại các Ủy ban Thường trực, đại biểu Quốc hội nước ta sẽ phát biểu về các nội dung ưu tiên như phát triển bền vững, bình đẳng giới, thanh niên, phòng chống HIV; tham gia các nghị quyết của IPU đảm bảo lợi ích của Việt Nam, đồng bảo trợ những nghị quyết phù hợp; dự phòng những nội dung phức tạp có thể nảy sinh về vấn đề di cư, người đồng tính, tình hình Triều Tiên, Myanmar…

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu là thành viên Ban Chấp hành IPU tham dự hoặc ủy quyền tham dự các cuộc họp của Ban Chấp hành IPU; họp Trưởng đoàn thành viên Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương (APG); Trưởng đoàn các nước ASEAN + 3 và các nhiệm vụ khác được phân công.

Cũng tại Đại Hội đồng, đại biểu đại diện cơ quan của Quốc hội sẽ là đại diện của Việt Nam tham gia làm Báo cáo viên tại Ủy ban Thường trực về Phát triển Bền vững, Tài chính và Thương mại về chủ đề “Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là năng lượng tái tạo”.

Việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại Hội đồng lần thứ 138 tại Thụy Sỹ nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích sát sườn của Việt Nam, tham khảo quan điểm quốc tế và thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu; tiến hành các hoạt động song phương bên lề với các đối tác mà Việt Nam ít có điều kiện triển khai hoạt động song phương chính thức. Bên cạnh đó, còn thông tin quảng bá về Việt Nam tới đông đảo cộng đồng quốc tế, tăng cường hiện diện góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế./.

Tác giả: Lê Tuyết

Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP