Giáo dục

Nam sinh đạt giải thưởng sáng tạo của Bộ Giáo dục

Đam mê Tin học từ năm lớp 3, Anh Ngữ không ngừng nỗ lực để theo đuổi giấc mơ lập trình. Chàng trai sinh năm 2000 đa tài vừa đạt giải thưởng sáng tạo của Bộ GD&ĐT.

Phạm Nguyễn Anh Ngữ (16 tuổi, trường THPT Cây Dương, Phụng Hiệp, Hậu Giang) là người trẻ nhất trong 16 gương mặt nhận được giải thưởng của chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2016 với phần mềm “Trợ thủ học tập”.

Đây là phần mềm ứng dụng trên di động giúp học sinh từ tiểu học đến lớp 12 học tiếng Anh một cách tiện dụng. Phần mềm hiện thu hút hơn 600.000 lượt truy cập, 3.000 thành viên tham giam học.

Đam mê tin học từ khi lên 8

Trước khi nhận được giải thưởng này, Ngữ đã có bảng thành tích đáng nể khi 10 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Chàng trai còn đạt giải nhất Tin học trẻ toàn quốc, giải ba cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc, giải khuyến tài của chương trình Nhân tài Đất Việt và các giải thưởng cấp tỉnh, quốc gia khác.

Về quá trình đạt được những thành công hiện tại, Ngữ chia sẻ cậu tiếp xúc với máy tính từ năm 8 tuổi, khi bắt đầu học Tin học ở trường. Từ đó, Tin học tạo cho Ngữ sự hứng khởi, khát khao được khám phá.

Lớp 8, Ngữ bắt đầu nghiên cứu về lập trình qua những tài liệu trên mạng. Giai đoạn đầu, cậu gặp nhiều khó khăn khi đa số tài liệu viết bằng tiếng Anh.

Ngữ cũng vấp phải không ít lỗi khi lập trình vì không nắm vững kiến thức căn bản. Cậu tiết lộ lúc bế tắc, anh trai như vị “cứu tinh”, tìm giúp nguồn tài liệu và đưa ra góp ý để cậu hoàn thiện sản phẩm.

Khi đã thành thạo hơn, Ngữ lập các phần mềm thử nghiệm dạy các môn Toán, Hóa và trang web thực hành. Tuy nhiên, phần mềm “Trợ thủ học tập” là sản phẩm đầu tiên nam sinh đưa vào thực tế.



Ngữ (ở giữa) cùng cha (bên phải) và thầy giáo từ Hậu Giang ra Hà Nội nhận giải. Ảnh: Hoàng Như.

Không ngừng nỗ lực

Để có thời gian hoàn thiện phần mềm tâm huyết, Anh Ngữ phải nỗ lực cân bằng giữa việc học và viết phần mềm.

“Chương trình học trên lớp rất nặng, em phải chuẩn bị bài xong mới bắt tay thực hiện sản phẩm nên thời gian sáng tạo không nhiều. Vì vậy, em cố gắng thức khuya hơn mới có thể hoàn thiện sản phẩm mà không khiến việc học bị ảnh hưởng”, Ngữ giãi bày.

Bày tỏ niềm vui khi con trai út đạt được giải thưởng lớn của Bộ GD&ĐT, ông Phạm Văn Hoàng (49 tuổi) - cha Ngữ - cho biết ông rất tự hào.

Ông Hoàng kể vợ chồng ông đi làm xa nên từ nhỏ, Ngữ đã có tính tự lập và rất ham học. Ngữ thường xuyên thức khuya để nghiên cứu, có hôm đến 4h sáng cậu mới nghỉ.

“Khi nhận tin phần mềm của con đạt giải, hai vợ chồng tôi hồi hộp, mong đến ngày con đi nhận giải. Tuy kết quả lần này chưa cao nhưng con đi tới chặng đường này cũng là điều đáng mừng. Tôi tin sản phẩm của con sẽ giúp ích được rất nhiều cho học sinh trên khắp cả nước”, ông Hoàng nói.

Tâm sự về cảm xúc khi biết mình nhận được giải thưởng, Ngữ cho hay ban đầu, cậu tham gia với mục đích giao lưu, học hỏi là chính.

Chàng trai Hậu Giang cho rằng bản thân phải học hỏi, trau dồi nhiều hơn. Hiện tại, kiến thức của cậu chưa đủ, phần mềm còn kém xa những sản phẩm khác.

Sắp tới, chàng trai sinh năm 2000 dự định hoàn thiện và nâng cấp phần mềm “Trợ thủ học tập” với nhiều tình năng tiện lợi, hữu ích hơn. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, cậu mong muốn học Tin học ở ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

Nhận xét về cậu học trò tài năng, thầy Nguyễn Đức Toàn - Bí thư đoàn trường THPT Cây Dương - nói: “Ngữ là học sinh giỏi, có nhiều sáng tạo trong học tập cũng như đời sống. Tại các phong trào ở trường, em tham gia rất tích cực. Đặc biệt, Ngữ có nhiều tài lẻ như thổi sáo, đàn guitar rất hay.

Trường chúng tôi rất tự hào khi có học sinh như Ngữ. Chúng tôi thường tuyên truyền để các em noi gương Ngữ sáng tạo trong học tập”.

Thầy Toàn nhận định trong tương lai, cậu học trò này sẽ đạt được những thành quả cao hơn, xứng đáng với sự chăm chỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ của Ngữ.

Chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long và báo Tuổi trẻ triển khai.

Sau 5 tháng, chương trình tiếp nhận 267 công trình, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên, giáo viên, trí thức trẻ trong cả nước. Trong đó, 16 công trình, sáng kiến được lựa chọn vào vòng chung khảo.

Tác giả bài viết: Hoàng Như - Nguyễn Phương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP