Trong trận chiến với các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở TP Mosul gần đây, hàng chục binh sĩ Iraq đã tử trận hoặc bị thương bởi loại lựu đạn cỡ 40 mm và chất nổ được thả xuống từ các drone (thiết bị bay không người lái).
Mối đe dọa lớn nhất
Số drone nói trên bay dày đặc đến mức một chỉ huy người Mỹ ví chúng với bầy ong. Sau này, theo báo The Los Angeles Times, giới chức Mỹ thừa nhận đó có lẽ là lần đầu tiên kể từ chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ hầu như bất lực trước máy bay đối phương, dù chúng có kích thước nhỏ xíu nếu so với chiến đấu cơ nước này. Tướng Raymond Thomas, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch đặc biệt, cũng đánh giá drone là mối đe dọa lớn nhất mà lực lượng Mỹ đối mặt ở Iraq và Syria hồi năm ngoái. Theo ông, trong trận chiến ở Mosul nói trên, nỗ lực của lực lượng Iraq gần như bị chặn đứng bởi những máy bay robot trên đầu họ.
Một đơn vị IS được huấn luyện đặc biệt - gọi là Lữ đoàn Baraa bin Malek - đã sử dụng drone để quay phim trực tiếp lực lượng trên bộ được Mỹ hậu thuẫn ở Iraq và Syria, và thả bom đạn xuống họ. Thông qua những thiết bị điều khiển từ xa được mua trên internet, IS đã khai mở một chiến thuật không đối xứng nhưng thành công trên chiến trường. Theo giới chức Mỹ, IS còn có một bộ phận phụ trách mua drone từ các website thương mại và các nguồn khác ở Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, các kỹ sư IS đã nâng cấp hệ thống điện để những thiết bị này có thể bay lâu hơn và thả bom đạn xuống đối thủ.
Đối mặt mối đe dọa mới nói trên, Lầu Năm Góc tức tốc đưa ra mặt trận bộ gây nhiễu điện tử và những thiết bị chuyên dụng khác để giúp lực lượng an ninh Iraq bắn hạ hoặc vô hiệu hóa drone của IS. Hàng chục chuyên gia kỹ thuật Mỹ được phái đến Iraq, Syria và Afghanistan để giúp bảo vệ binh sĩ Mỹ, huấn luyện và trong một số trường hợp, trang bị cho các đồng minh địa phương chống lại mối đe dọa từ drone.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc còn tiến hành một chương trình trị giá 700 triệu USD nhằm tìm kiếm những cách thức tiêu diệt các phi đội drone của IS, như sử dụng tia laser để vô hiệu hóa drone trên không trung và loại súng bắn ra những tấm lưới nhỏ để bắt chúng lúc bay. Chương trình này - được giám sát bởi 2 vị tướng Mỹ - tập trung thu hút chuyên môn và nguồn lực của tất cả binh chủng quân đội, Thung lũng Silicon và các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng, như Boeing và Raytheon, để phát triển các chiến thuật, công nghệ nhằm ngăn chặn mối đe dọa của drone. Dù vậy, phần lớn công nghệ được thử nghiệm vẫn còn non trẻ, cần điều chỉnh và hoàn thiện để phát huy hiệu quả.
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ khảo sát một máy bay không người lái do IS sử dụng để thả chất nổ xuống quân đội Iraq ở Mosul hồi đầu năm nay Ảnh: REUTERS |
"Thiết bị nổ tự chế trên không"
Do chưa có nhiều phương thức đối phó, Mỹ chủ yếu dựa vào những cuộc không kích nhắm vào địa điểm phóng drone của IS trên mặt đất và những kẻ điều khiển chúng - theo báo The Los Angeles Times. Trong 2 tháng qua, chiến đấu cơ Mỹ đã phá hủy được một số kho drone và cơ sở đào tạo người điều khiển drone của IS. Trong dấu hiệu cho thấy nỗ lực trên mang lại kết quả, các tay súng được Mỹ hậu thuẫn cho biết chỉ nhìn thấy 7 drone của IS ở Iraq và Syria trong tháng 9, ít hơn nhiều so với hơn 60 drone được nhìn thấy trước đó, nhất là trong cuộc chiến giành lại quyền kiểm soát Mosul.
Mối đe dọa từ "thiết bị nổ tự chế trên không" không chỉ gói gọi ở Iraq hoặc Syria mà đang trở thành vấn đề của khu vực và toàn cầu. Các chuyên gia chống khủng bố cảnh báo việc sử dụng drone - một công nghệ không quá đắt tiền - của IS có thể thúc đẩy các vụ tấn công tương tự khắp thế giới.
Tại Mỹ, drone cho đến giờ chỉ mới gây báo động an ninh khi bay gần Nhà Trắng, sân bay và những khu vực bị hạn chế. Tuy nhiên, một số chuyên gia lập luận việc drone ngày càng phổ biến và tinh vi khiến mối đe dọa không ngừng gia tăng. Chia sẻ nỗi lo này, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray gần đây cảnh báo các tổ chức khủng bố đang toan tính sử dụng drone để tấn công ở Mỹ. "Chúng ta biết rằng các tổ chức khủng bố sử dụng máy bay không người lái ở nước ngoài với tần suất ngày càng tăng. Có khả năng tình huống đó sắp xảy đến ở Mỹ. Việc sở hữu và vận hành drone giờ đây tương đối dễ trong lúc khó ngăn chặn và theo dõi hoạt động của chúng" - ông Wray phát biểu tại cuộc điều trần của Ủy ban Các vấn đề chính phủ và An ninh nội địa Thượng viện Mỹ cuối tháng rồi.
Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ Nicholas Rasmussen cũng đánh giá đó là vấn đề thực sự của Mỹ lúc này. Chẳng hạn, bọn khủng bố có thể sử dụng máy bay không người lái để thả những khối chất nổ có kích thước của quả lựu đạn hoặc phát tán chất độc. Mục tiêu không chỉ là người dân mà còn cả những hạ tầng quan trọng như các con đập, nhà máy điện hạt nhân… Mối đe dọa này khiến Lầu Năm Góc vào mùa hè qua phát hành sổ tay hướng dẫn tư lệnh các căn cứ khắp nước cảnh báo người dân địa phương tránh điều khiển drone đến gần cơ sở quân sự. Ngoài ra, theo ông Rasmussen, các cơ quan chống khủng bố ở Mỹ đang tăng cường tìm hiểu những thủ đoạn tấn công bằng drone tiềm tàng.
Tác giả: NGÔ SINH
Nguồn tin: Báo Người lao động