Thế giới

Mỹ điều hàng loạt “pháo đài bay” B-52 tới Thái Bình Dương

Không quân Mỹ thông báo đã triển khai 6 máy bay ném bom chiến lược B-52 của nước này tới đảo Guam ở Thái Bình Dương giữa lúc căng thẳng với Triều Tiên.

Máy bay ném bom B-52 của Mỹ (Ảnh: AFP)

Japan Times dẫn thông báo của Không quân Mỹ hôm nay 16/1 cho biết, 6 máy bay ném bom chiến lược B-52 của nước này và 300 quân nhân của lực lượng Không quân đã gia nhập cùng 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 mới được triển khai gần đây tới vùng lãnh thổ Guam. Cách Triều Tiên khoảng 3.400 km, Guam cũng là nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Andersen - tiền đồn của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương.

Lần gần đây nhất các “pháo đài bay” B-52 được triển khai tới Thái Bình Dương là vào tháng 7/2016 khi các máy bay ném bom này thực hiện một loạt các sứ mệnh huấn luyện song phương và đa phương với Hải quân, Thủy quân Lục chiến, Không quân Mỹ, Không quân Hàn Quốc và Không quân Hoàng gia Australia.

“Sự trở lại Thái Bình Dương của B-52H sẽ mang đến cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác trong khu vực một nền tảng sức mạnh chiến lược đáng tin cậy, đồng thời chia sẻ nhiều năm kinh nghiệm tác chiến liên tục các máy bay này”, thông báo của lực lượng Không quân Thái Bình Dương Mỹ cho biết.

Theo thông báo, việc triển khai phi đội máy bay ném bom B-52 cho thấy “Mỹ tiếp tục duy trì cam kết với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Japan Times nhận định động thái này của Washington nhằm trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực trong bối cảnh Triều Tiên ngày càng tỏ rõ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Các chuyến bay do các máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ như B-52, B-2 và B-1B của Mỹ thực hiện qua khu vực bán đảo Triều Tiên đã khiến Bình Nhưỡng “nóng mặt”. Triều Tiên gọi các máy bay này là “không tặc của đảo Guam” và chỉ trích các chuyến bay của Không quân Mỹ là diễn tập tấn công ban lãnh đạo của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên chỉ trích Mỹ

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, hôm nay đăng tải bài bình luận chỉ trích phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc so sánh nút bấm hạt nhân của hai nhà lãnh đạo.

“Cơn giận dữ của ông Trump trong dịp đầu năm mới đã cho thấy trạng thái tâm lý tuyệt vọng sau khi không thể ngăn cản sự tiến bộ vượt bậc của quân đội và nhân dân Triều Tiên”, Rodong Sinmun bình luận.

Trước đó, ngày 2/1, Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter rằng nút bấm hạt nhân của ông “to hơn và uy lực hơn” so với nút bấm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Bình luận này của ông chủ Nhà Trắng nhằm đáp trả tuyên bố trước đó của ông Kim Jong-un, rằng trên bàn làm việc của ông luôn có sẵn nút bấm hạt nhân và cảnh báo lục địa Mỹ nằm trong tầm tấn công của tên lửa Triều Tiên.

Hội nghị về Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay đã lên tiếng chỉ trích hội nghị quốc tế về cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên do Canada và Mỹ tổ chức là “phi pháp” khi không có sự tham gia của Bắc Kinh. Ngoài Trung Quốc, Nga cũng không được mời tham dự hội nghị.

“Những bên liên quan quan trọng nhất trong tình hình bán đảo Triều Tiên không được tham dự hội nghị, do vậy tôi không cho rằng hội nghị này là hợp pháp hoặc mang tính đại diện”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ.

“Nhóm Vancouver” do 20 quốc gia từng tham gia cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1950-1953 thành lập, gồm Australia, Anh, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc. Hội nghị năm nay diễn ra 2 ngày, bắt đầu từ 15/1 tại thành phố Vancouver, Canada và các quan chức quân sự cũng có mặt tại hội nghị này.

Sự vắng mặt của Nga và Trung Quốc, đồng minh thân cận của Triều Tiên, tại hội nghị ở Vancouver cho thấy những lỗ hổng trong nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế Triều Tiên.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP