Số hóa

Muốn cai nghiện smartphone, hãy chuyển màn hình sang đen trắng

Tính năng chuyển màn hình sang đơn sắc không chỉ tiết kiệm pin mà còn có thể giúp người dùng không còn tập trung vào smartphone.

Nellie Bowles, biên tập viên công nghệ của tờ New York Times, đã có thời gian ngắn trải nghiệm màn hình đen trắng cùng với một nhóm người. "Có thể nói cuộc đời tôi 'xám xịt' trong vài ngày, nhưng nó đã làm tôi ít quan tâm hơn đến chiếc điện thoại, bớt kiểm tra các thông báo, nhấp chọn ứng dụng... Nó thật tuyệt vời. Hóa ra biến chiếc điện thoại trở nên tồi tệ một chút, chúng ta sẽ rời xa được nó. Chúng ta cũng chỉ là những động vật đơn giản, yêu màu sắc mà thôi", Bowles chia sẻ.

Biến màn hình điện thoại thành đen trắng có thể giúp cai nghiện điện thoại.

Mack McKelvey, Giám đốc hãng quảng cáo SalientMG (Washington DC, Mỹ), cho biết, bà đã hiểu rõ về các thủ thuật của nhà sản xuất. "Họ biết cách khiến bạn cầm điện thoại lâu hơn và rút ngắn thời gian cầm lại điện thoại sau khi đặt xuống. Bí quyết là tích hợp vào điện thoại các công nghệ tiên tiến, cùng với các ứng dụng đầy màu sắc, hình dáng bắt mắt và đã được nghiên cứu kỹ", McKelvey nói.

Trên thực tế, các công ty trong Thung lũng Silicon như Facebook và Google đều biết sức mạnh của màu sắc trong việc níu chân người dùng ở lại ứng dụng lâu hơn. Thậm chí, họ có đội ngũ riêng chuyên về lĩnh vực khoa học thần kinh, biết màu sắc nào khi tác động lên bộ não sẽ khiến con người thực hiện hành động nào.

Với các nhà sản xuất điện thoại, tính năng chuyển qua đen trắng cũng bị ẩn giấu hoặc nằm sâu trong cài đặt. McKelvey đã thử chuyển chiếc điện thoại của mình sang chế độ đen trắng, nhưng mọi thứ không đơn giản như bà nghĩ. "Phải mất khoảng 40 phút tôi mới tìm ra cách chuyển. Nhà sản xuất cố tình chôn giấu điều đó", bà McKelvey nhấn mạnh.

Tính năng Grayscale trên iPhone.

Thomas Ramsoy, Giám đốc của Neurons, công ty 4 năm tuổi tại Copenhagen (Đan Mạch), được các ông lớn công nghệ chú ý (trong đó có Facebook), nhiều lần tìm đến nhờ sở hữu công nghệ có khả năng quét sóng não và theo dõi cử chỉ mắt để nghiên cứu ứng dụng phù hợp - cho rằng màu sắc sẽ khiến con người bị chi phối cảm xúc. "Màu sắc, hình dáng là những chiếc tàu phá băng khiến con người chú ý. Nó chính là một loại tiền tệ mới, bởi sở hữu giao diện bắt mắt, hấp dẫn người dùng chính là thứ hái ra tiền", ông Ramsoy giải thích.

Cũng theo Ramsoy, khi chuyển sang màu xám, con người có xu hướng mới gọi là "lựa chọn lại". Thông thường, nhà sản xuất ứng dụng sẽ tạo sản phẩm bắt mắt ngay từ logo của nó để kích thích tiềm thức mỗi người. "Ví dụ, tôi muốn mở email nhưng khi vừa nhìn qua Instagram, tôi đã không cưỡng lại mình và nhấp chọn nó. Nhưng khi mọi thứ thành đen trắng, bạn sẽ không bị nó gây chú ý", Ramsoy nói. Ông cũng nhấn mạnh chuyển màn hình thành đen trắng là "ý tưởng hay" và nó giúp hình thành "sự chú ý có kiểm soát". Ngoài ra, âm thanh cũng là thứ nên tắt đi để không gây phân tâm não bộ.

Bevil Conway, một nhà khoa học tại National Eye Institute, tổ chức chuyên nghiên cứu về màu sắc và cảm xúc, cho rằng các nhà sản xuất tại Thung lũng Silicon đang tham gia trận chiến giành giật người dùng bằng màu sắc. "Có cảm giác như họ đang điều khiển con mắt của tôi vậy", Conway chia sẻ.

Theo nhà khoa học này, việc chuyển đến chế độ đen trắng sẽ khiến con người có kiểm soát hơn. Lúc này, cảm giác về điện thoại chỉ là công cụ liên lạc, không phải là để giải trí, là món đồ chơi nữa. "Khi tôi đang muốn viết email, tôi sẽ chuyên tâm vào đó. Khi tôi xếp hàng mua cà phê, tôi cũng không còn 'ham muốn' dùng điện thoại nữa. Sự thay đổi này giúp tôi nhận ra rằng, ít nhất ngoài chiếc điện thoại còn có các lựa chọn khác tốt hơn", Conway nói thêm.

* Trên iPhone, có thể kích hoạt chế độ đen trắng (Grayscale) bằng cách vào Settings > General > Accessibility > Display Accommodations > Color Filters > Grayscale. Trên Android phức tạp hơn, người dùng cần kích hoạt chế độ cho nhà phát triển (nằm trong phần giới thiệu về điện thoại) > Ra lại Settings > Developer options > Hardware accelerated rendering > Simulate color space > Chọn Monochromacy.

Tác giả: Bảo Lâm

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP