Du lịch

Mùa xuân theo dấu tích khảo cổ

Quỳ Châu được biết đến là địa phương có tiềm năng văn hóa khảo cổ, từ năm 1936, E.Saurin đã phát hiện các hang: Thẳm Nà Thẳm, thẳm Kẻ Săng ở bản Xăng, xã Châu Bính còn hang thẳm Pông ở Bản Bông, xã Châu Thuận.

Đến năm 1973 Nguyễn Thành Trai cùng đoàn khảo sát đã phát hiện Hang Thẩm Ồm ở xã Châu Thuận, cao 169m so với mặt nước biển. Nền hang cao 15m so với thung lũng cửa hang chính.Tại đây đã phát hiện mới 16 công cụ cuội (1 chopper, 1 công cụ dạng hạch,1 công cụ nhiều rìa, 4 hòn ghè, 2 hạch đá, 6 công cụ mảnh tước,1 viên đá có vết gia công), những di vật này thuộc hậu kỳ Đá cũ cách đây khoảng 30.000 năm; ở giữa hang lưu lại một khối trầm tích lớn, màu vàng, trên đó chứa hóa thạch tê giác, hươu, nai, lợn. Như vậy, Thẩm Ồm không chỉ có di tích người Homo sapien sớm, mà còn có dấu tích của lớp cư dân muộn hơn.

Tháng 6 - 2015, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Văn hóa huyện Quỳ Châu tiến hành thẩm định di tích đã phát hiện các di tích cổ sinh hóa thạch động vật giống Thẩm Ồm.

1DSC 0070
Khảo sát tại Hang Thẳm Ồm xã Châu Thuận.

Tại Hang Cỏ Ngụn xã Châu Bính, có độ cao 117m so với mực nước biển, có độ sâu 19m; lòng hang chỗ rộng nhất 23m; trần của cao 12m; xung quanh lòng hang có một khối trầm tích màu vàng, rắn chắc.Trên đó tìm thấy xương động vật hóa thạch như hươu nai, lợn, tê giác.Trong lòng hang đã bị đào bới làm bật tung nhiều di vật đá, chủ yếu là công cụ kiểu văn hóa Hòa Bình.
2DSC 0838
Khảo sát tại Hang Có ngụn xã Châu Bính

Tại Hang Bua thuộc xã Châu Tiến, có độ cao 100m so với mực nước biển, đã phát hiện công cụ cuội ghè đẽo, xương động vật hóa thạch như voi, tê giác, hươu, nai, lợn, vỏ trai và vỏ ốc nước ngọt bị carbonnat hóa , là trầm tích có tuổi Cánh tân muộn. Tại hang Thẳm Bông ở xã Châu Thuận, có độ cao 121m so với mực nước biển. Cửa hang hướng bắc, có hình mái vòm, cao 11m, rộng 14,2m; ăn sâu vào vách trong là 20,8m. Trên trần hang, vách hang còn có một số khối nhũ và trầm tích mầu nâu, rắn chắc đã tìm thấy hóa thạch răng tê giác.

3DSC 1112
Hang Bua xã Châu Tiến

Tại hang Thẳm Chàng xã Châu Thuận đã thu được 9 hiện vật đá gồm: 1 hòn ghè, 1 chày, 1 công cụ ghè đẽo thô sơ gần hình móng ngựa, 1 công cụ cắt nhiều rìa, 3 công cụ làm từ cuội bổ, 1 công cụ mảnh tước và 1 mảnh tước, các di vật đều thuộc thời kỳ Đá cũ.Tại hang thẳm Ồm đã phát hiện 16 công cụ đá ghè đẽo thô sơ góp phần khẳng thêm Thẩm Ồm còn là nơi cư trú của nhiều lớp cư dân Đá cũ muộn hơn.
4IMG 6440
Các di chỉ khảo cổ tìm thấy tại các hang động ở Quỳ Châu.

Các hang động ở Quỳ Châu đều cấu tạo dạng đá vôi, chứa đựng vết tích hóa thạch người, động vật và công cụ ghè đẽo thô sơ. Những dấu tích khảo cổ chứng tỏ: Đây là nơi chứng kiến sự hình thành người hiện đại và văn hóa cổ xưa của họ. Khảo cổ học hang động Quỳ Châu có vị trí vô cùng quan trọng trong diễn trình lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam. Thời gian theo dấu tích khảo cổ, tìm về nguồn cội với những phát hiện đầy ý nghĩa, đó là tiền đề, cơ sở quan trọng cho hoạt động khảo cổ trong thời gian tới. Các di tích này cần được bảo tồn để phục vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục lòng tự hào về truyền thống lịch sử của quê hương đất nước./.

Tác giả bài viết: Lô Thị Hương - Ban TGHU, ảnh: Hùng Sơn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP