|
Bỗng điện phụt tắt, cả căn phòng ngập trong bóng tối. Điện thoại hiện lên dòng chữ thông báo: “Không thể kết nối”. Chồng tôi cay cú vì chỉ vài nước cờ nữa là anh thắng. Còn con gái tôi cứ hỏi đi hỏi lại một câu “Mẹ ơi, họ không cho con lấy son môi để tô cho công chúa”. Chồng tôi đi ra đi vào càu nhàu: “Sao lại cắt điện vào giờ này nhỉ?” Rồi anh bấm đèn lôi từ gầm giường ra chiếc võng xếp đặt ở cửa nhà và gọi con: “Con gái, ra đây nằm với bố”. Bé con từ lúc mất điện tới giờ vẫn còn cầm chặt cái điện thoại, nay mới buông tay dò dẫm đi ra với bố.
Mấy đứa trẻ hàng xóm bắt đầu rủ nhau ra đường. Trên lưng vài ba bé gái mang những bộ cánh bướm có đèn nhấp nháy. “Chỉ có trẻ con là lúc nào cũng thấy vui” Câu nói của tôi hình như có gợi lại cho chồng tôi chút kỉ niệm thời thơ bé. Và anh bắt đầu thủ thỉ với con gái về ngày anh còn nhỏ, khi mỗi bận trung thu đến, bố anh thường mua những tấm giấy bóng đủ màu về, rồi cặm cụi ngồi vót những chiếc nan tre, cắt dán vào thành chiếc đèn ông sao rất đặc biệt.
Con gái nghe bố kể chuyện, hào hứng đặt ra vô số những câu hỏi ngô nghê và thắc mắc con trẻ. Rồi từ chuyện chiếc đèn màu, đến chuyện bắt cua bắt cá, đến chuyện chăn trâu thả diều, đến chuyện bị ông bà đánh đòn những trưa trốn ngủ đi tắm sông. Bố kể còn con gái nắc nẻ cười hỏi “lúc đó bố có khóc nhè không? Có à? Hihi, bố xấu thế”. Nghe hai bố con rù rì trò chuyện rồi rúc rích cười, lòng tôi bỗng ngập tràn một nỗi bình yên đến lạ.
Lâu lắm rồi. Phải là rất lâu rồi cả nhà tôi mới lại ngồi sát bên nhau, nói nhau nghe và lắng nghe nhau dịu dàng đến thế. Thông thường thì từ sau bữa cơm tối ăn vội trong vài tiếng hỏi han, trong tiếng giục và cả quát mắng khi con ăn chậm là cả nhà tôi lại thu vào thế giới của riêng mình. Bố muốn trong lúc chơi cờ không có ai làm phiền. Mẹ muốn được trò chuyện với bạn bè mà không bị con léo nhéo. Con bé con lúc đầu còn nì nèo đòi bố mẹ cùng chơi trò ghép hình, nấu ăn... Sau rồi cũng bị cuốn theo những trò chơi hiện đại khác trên điện thoại. Để có thể thảnh thơi, bố nó tải về cho nó một danh sách đầy những trò chơi. Chơi chán trò này nó tự chuyển chơi trò khác. Chăm chú và say mê cho tới tận lúc bố mẹ giục đi ngủ. Ngày qua ngày như thế, mọi hoạt động đều như tự lập trình, không ai còn làm phiền đến ai.
Mỗi bận đưa con về quê, nhìn con nhí nhhoáy với các điện thoại, các ông bà nhìn nó thán phục không hiểu sao mới tí tuổi đầu đã dùng công nghệ siêu thế. Bà ngoại phải dùng nhiều cách để lôi cháu ra khỏi nhà, lúc thì dắt đi thăm đồng lúa, lúc đưa cháu đi xát gạo, lúc thì bê tấm để bà cho gà ăn. Dần dần con háo hức với những hoạt động ấy hơn là điện thoại. Thế nhưng khi trở lại thành phố thì đâu lại vào đấy. Lý do là vì thành phố không có đồng lúa, không có gà, không giun, không dế. Thành phố, ngoài giờ đi học, đi làm là bốn bức tường nhà. Và trong đó, ai cũng mê mải với thú vui của mình.
Cách đây không lâu, tôi có đọc được một bài báo trong đó nói rằng có một loại bạo lực mới xuất hiện, đó là “bạo lực xao nhãng”. Tức là khi vợ chồng ngồi cạnh nhau nhưng không còn để ý tới nhau, là khi bố mẹ phó mặc con cho những thiết bị công nghệ để rảnh rang cho những mối bận tâm của riêng mình. Sự vô tâm, sự hờ hững, sự thiếu gắn kết cũng chính là một loại hình bạo lực gia đình gây ảnh hưởng nặng nề đến vấn đề tâm lý. Nếu đó là một loại bạo lực gia đình thực sự như người ta nói, hẳn là nó đang phổ biến trong nhiều gia đình đến mức báo động.
Cuối cùng thì sau vài giờ đồng hồ điện đã có trở lại. Thế nhưng bé con không vội vàng bật dậy ôm điện thoại như mọi khi. Nó còn nằm gọn trong lòng bố nó, vòi vĩnh bố kể thêm vài ba câu chuyện. Chồng tôi giơ chân khều khều chân tôi hỏi “mẹ không có chuyện gì vui để kể cho hai bố con nghe à?”. “Những kỉ niệm thời thơ bé ở quê có mà kể cả tuần không hết, nhưng đến giờ đi ngủ rồi”. Tới lúc vào tận giường ngủ, bé con vẫn còn thủ thỉ: “Cuối tuần bố cho con về nội đi soi đèn bắt ếch nhé”. Và tôi đã nghĩ rằng trong giấc ngủ của con tối nay có thể sẽ chập chờn những giấc mơ về chiếc đèn màu, về cánh diều bay hay con chuồn chuồn ớt.
Công nghệ phát triển đã giúp mọi người cách xa cả ngàn dặm kết nối lại gần nhau hơn, thế nhưng nó lại gây mất kết nối giữa những thành viên của mỗi gia đình. Có lẽ tôi sẽ tập bỏ đi vài thói quen, học cách kết nối mọi thứ trở lại, kết nối với chồng, kết nối với con, bắt đầu bằng những câu chuyện nhỏ như tối hôm nay.
Tác giả: Lê Giang
Nguồn tin: Báo Dân trí