Hồ Tây là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội đa màu, là thế giới của những làn gió trong trẻo, sự phóng khoáng và giàu chất thơ. Hồ Tây không nổi tiếng, tấp nập và ồn ào như hồ Gươm. Thế nhưng, hồ Tây vẫn khiến cho bất cứ ai từng ghé qua đây rồi chẳng muốn về. Chẳng thế mà bấy lâu nay nó vẫn là nơi hò hẹn của các đôi yêu nhau, là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ...
Quang cảnh hồ Tây lúc chiều muộn. Ảnh: Phạm Thảo |
Theo truyền thuyết, hồ Tây trước đây còn có các tên gọi khác như Đầm Xác Cáo, Hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ. Hồ nằm ở phía Tây Bắc của thành phố, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 14,8 km, là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội. Ngành địa lý lịch sử đã chứng minh, hồ Tây là một đoạn của sông Hồng xưa trong quá trình ngưng đọng lại sau khi sông đổi dòng chảy.
Hồ Tây không chỉ đẹp nhờ có phong cảnh tuyệt vời mà ở đây còn có rất nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Quanh hồ hiện có 21 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng như đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ... Bên cạnh đó du khách cũng có thể thăm quan các làng nghề truyền thống có từ lâu đời như: Làng hoa Nghi Tàm- quê hương của Bà Huyện Thanh Quan; làng Nhật Tân với chùa Tào Sách và nghề trồng hoa đào, quất cảnh nổi tiếng; làng Xuân Đỉnh với nghề làm mứt truyền thống; làng Xuân La với chùa Thiên Niên (Thiên Niên cổ tự) thờ bà tổ nghề dệt Phạm Thị Ngọc Đô thứ phi của vua Lê Thánh Tông hay làng Kẻ Bưởi (An Thái) với nghề làm giấy dó cổ truyền...
Hồ Tây còn nổi tiếng bởi những món ăn đặc sản vô cùng hấp dẫn. Chẳng cần tới Thuỷ Tạ hay Tràng Tiền, du khách vẫn có thể thưởng thức những que kem ốc quế ngon tuyệt. Cũng chẳng phải tới Tạ Hiện hay Vân Hồ, du khách vẫn có thể nhâm nhi những ngụm bia “cỏ” đậm đà ngất ngây. Và tới hồ Tây, hãy đừng quên một lần thưởng thức bánh tôm - thứ quà đặc sản mang theo nhiều miền ký ức - từ cũ tới mới trong văn hoá ẩm thực của người dân Hà Thành.
Những năm gần đây, hồ Tây có rất nhiều thay đổi. Được coi là "lá phổi xanh", "máy điều hoà nhiệt độ" của thành phố, nên việc bảo vệ bờ, bảo vệ cảnh quan môi trường rất được coi trọng. Các khu vực liền kề xung quanh hồ Tây sẽ được quy hoạch để trở thành trung tâm của Thủ đô Hà Nội mới trong tương lai gần. Mới đây nhất, Thành phố Hà Nội đã mở phố đi bộ Trịnh Công Sơn dài 900m, nằm liền kề Công viên nước Hồ Tây. Phố đi bộ mới hình thành này đã tạo ra một sản phẩm du lịch mới, một diện mạo mới cho khu vực hồ Tây.
Tác giả: P.B
Nguồn tin: laodongthudo.vn