Kinh tế

Một loạt "ông lớn" bất động sản đau đầu vì nợ nần chồng chất

Xét theo giá trị truyệt đối, Novaland nằm đầu danh sách những doanh nghiệp bất động sản có nợ phải trả lớn nhất tính đến thời điểm 31/12/2017.

Tính đến cuối 2017, Novaland đứng đầu danh sách những doanh nghiệp bất động sản niêm yết có nợ phải trả lớn nhất.

Nợ phải trả 10 doanh nghiệp lên tới 105 nghìn tỷ đồng

Bất động sản trải qua giai đoạn bùng nổ năm 2015-2017 với sự tăng trưởng trong các phân khúc, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng báo lãi lớn trong năm vừa qua, đánh dấu một năm "ăn nên làm ra" và dự báo một triển vọng tích cực trong năm 2018.

Tuy nhiên bên cạnh doanh thu lợi nhuận, nhiều "ông lớn" bất động sản vẫn phải đau đầu vì hạng mục Nợ phải trả quá lớn.

Theo tính toán của người viết, riêng 10 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có số nợ phải trả tuyệt đối lớn nhất đã lên tới 105.195 tỷ đồng. Danh sách này đã loại trừ Vingroup do công ty đã được công nhận là đa ngành.

Đối với doanh nghiệp niêm yết, nhất là doanh nghiệp bất động sản, việc huy động vốn vay để đầu tư dự án rất quen thuộc, tuy nhiên, cần phải cẩn trọng với những doanh nghiệp có mức nợ phải trả lại cao lấn át vốn chủ sở hữu.

"Đại gia" bất động sản cũng phải đau đầu vì nợ

Xét theo giá trị tuyệt đối, tính đến cuối 2017, Novaland đứng đầu danh sách những doanh nghiệp bất động sản niêm yết có nợ phải trả lớn nhất.

Với Novaland, nợ phải trả cuối 2017 lên mức 35.968 tỷ đồng, tăng tới 35% so với đầu năm 2017. Khoản nợ phải trả này cũng gấp 2,7 lần vốn chủ sở hữu, tương ứng chiếm tới 72% tổng nguồn vốn doanh nghiệp.

Điều này khiến NVL cũng lọt vào top 10 những doanh nghiệp bất động sản có cơ cấu tài chính không bền vững nhất sàn.

Trong đó, vay nợ ngắn và dài hạn của Novaland (bao gồm vay ngân hàng, phát hành trái phiếu và vay bên thứ 3) chiếm gần 18.000 tỷ đồng, dẫn tới chi phí lãi vay trong năm 2017 của công ty đội lên hơn 1.205 tỷ đồng. Tương ứng mỗi ngày NVL phải trả tới 3,3 tỷ lãi vay.

Tương tự, đại gia phố núi Quốc Cường Gia Lai, Bất động sản Phát Đạt, IJC và Sacomreal cũng là những doanh nghiệp có nợ phải trả cao và tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu tính bằng lần.

Trong năm 2017, nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai (QCG) tăng vọt từ 4.209 tỷ đồng lên tới 7.412 tỷ đồng. Đáng chú ý có một khoản phải trả ngắn hạn lên tới 5.760 tỷ đồng phát sinh, trong đó phải trả cho Sunny liên quan đến dự án Phước Kiển 2.882,8 tỷ đồng (số tiền QCG đã nhận của Sunny), phải trả bên thứ 3 tăng thêm gần 872 tỷ đồng và phải trả bên liên quan tăng thêm 1.255 tỷ đồng. Khoản này khiến Nợ phải trả cao gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu.

Lưu ý, mặc dù cuối 2017, nợ ngân hàng của QCG giảm mạnh nhưng thay vào đó QCG lại chuyển sang mượn của các cá nhân và tổ chức khác, được hạch toán vào mục Phải trả bên liên quan.

Không chỉ "đau đầu" ở khoản nợ phải trả, QCG còn có khoản hàng tồn kho có giá trị gần 7.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản doanh nghiệp.

Thêm một "đại gia" bất động sản công nghiệp là CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC) tiếp tục duy trì vị trí trong danh sách nợ nhiều. Nợ phải trả của IJC đang gấp 3,8 lần vốn chủ sở hữu.

Nợ phải trả của Becamex IJC đang chiếm tới 6.338 tỷ đồng, tương ứng 79% tổng nguồn vốn. Trong đó, tổng mức nợ ngân hàng ngắn và dài hạn là hơn 1.822 tỷ đồng. Hàng tồn kho của IJC cũng ở mức cao khi giá trị lên đến 5.326 tỷ đồng.

Trong top 5 những doanh nghiệp bất động sản có nợ phải trả lớn nhất có thêm sự góp mặt của Bất động sản Phát Đạt (PDR).

7.115 tỷ là nợ phải trả của công ty này tính đến cuối 2017, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Hạng mục này tăng thêm 7% so với đầu năm 2017. Đáng lưu ý, nợ vay ngắn và dài hạn có nhiều điều chỉnh.

Trong năm 2017, công ty đã trả được khoản vay dài hạn tại ngân hàng hơn 2.800 tỷ. Được biết đây là khoản vay Ngân hàng Đông Á và Techcombank. Đến cuối năm 2017, PDR đã trả dứt điểm vốn vay cho 2 ngân hàng này.

Thay vào đó, PDR chuyển sang hình thức ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư Dự án EverRich 2 và EverRich 3 với giá trị hơn 6.000 tỷ, dẫn đến nợ phải trả dài hạn không những giảm mà còn tăng lên thêm hơn 1.000 tỷ đồng.

Điểm danh trong danh sách này là Sacomreal (SCR) nhà Thành Thành Công. Nợ phải trả của SCR tính đến cuối 2017 chiếm hơn 6.070 tỷ, tăng đến 43% trong năm qua. Khoản nợ này gấp đến 1,7 lần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.

Tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức hồi tháng 12/2017, ban lãnh đạo SCR cho biết nợ vay tăng lại vừa qua do SCR phải đẩy nhanh việc đón đầu cơ hội đầu tư phát triển các dự án mới tiềm năng như hợp tác với C.J Cầu Tre để thực hiện dự án và huy động thêm từ các gói trái phiếu để phát triển các dự án mới chuẩn bị kế hoạch cho các năm tiếp theo, tuy nhiên việc tăng nợ hoàn toàn nằm trong khả năng cân đối tài chính của SCR.

Tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự mất cân đối trong cơ cấu tài chính còn trở nên nghiêm trọng hơn khi Nợ phải trả chiếm quá lớn trong cơ cấu nguồn vốn. Ví dụ như PXA, NTC, DLR...

Tuy nhiều doanh nghiệp vẫn còn nặng gánh nợ nần, hàng tồn kho còn khá lớn song tín dụng ngành bất động sản vẫn được đánh giá có tín hiệu tích cực trong năm 2018 khi được hưởng lợi nhờ lãi suất giảm và định hướng của Chính phủ là duy trì lãi suất ở mức thấp.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP