Kinh tế

Một cổ đông “hi sinh” bán ra… 20 cổ phiếu giúp công ty có thêm gần 21.000 tỷ đồng

Việc 1 cổ đông chịu “hi sinh” 20 cổ phiếu đã đưa vốn hóa của VHM lập tức tăng vọt lên 316.730 tỷ đồng và Vinhomes trở thành doanh nghiệp lớn nhất thị trường chứng khoán đến thời điểm hiện tại.

Chào sàn phiên 17/5 với mức tăng kịch trần tới 20% lên 110.500 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VHM của Công ty Cổ phần Vinhomes trở thành “hàng hot” trên thị trường chứng khoán giữa bối cảnh người mua săn đón, người bán “găm hàng”.

Ngay cả khi khối nhà đầu tư nước ngoài chi tới gần 3 tỷ USD để mua vào 248 triệu cổ phiếu VHM thì trong suốt 2 phiên vừa qua, tại VHM vẫn chưa có một giao dịch nào diễn ra.

Trong khi cổ đông Vinhomes vẫn có tâm lý găm giữ cổ phiếu không chịu bán ra thì sáng nay (22/5), cuối cùng cũng đã có một khối lượng gần tối thiểu là 20 cổ phiếu VHM được bán và duy nhất 1 lệnh được khớp tại mức giá trần. Nhờ đó, mã này tăng trần 7.700 đồng lên 118.200 đồng.

Hai công ty của ông Phạm Nhật Vượng thay nhau vị trí "quán quân" về vốn hoá trên thị trường chứng khoán

Đến gần hết phiên sáng (10h40), tại VHM vẫn còn dư mua trần tới 591 nghìn cổ phiếu VHM song không hề có lệnh bán nào thêm ngoài 1 lệnh ít ỏi nói trên.

Việc 1 cổ đông chịu “hi sinh” 20 cổ phiếu đã đưa vốn hóa của VHM lập tức tăng vọt 20.633 tỷ đồng lên 316.730 tỷ đồng và Vinhomes trở thành doanh nghiệp lớn nhất thị trường chứng khoán đến thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, trên thị trường, cổ phiếu VIC của công ty mẹ Vingroup lại tiếp tục giảm khá mạnh với mức giảm 3.900 đồng. Đà giảm sâu vừa qua đã khiến vốn hóa của VIC giảm xuống dưới mức 300.000 tỷ đồng, mất ngôi quán quân.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng diễn biến tiêu cực: VJC giảm 5.500 đồng, SAB giảm 1.700 đồng, ROS giảm 1.300 đồng, PLX giảm 1.300 đồng. Cổ phiếu nhóm ngân hàng ACB, BID, CTG, HDB, MBB, VPB, VCB, STB… đồng loạt đỏ sàn.

Với khoảng 200 mã giảm giá trên sàn, gấp 3 lần số mã tăng, VN-Index trong phiên đã có lúc mất tới hơn 12 điểm, xuống còn 1.002 điểm, đe dọa xuyên thủng ngưỡng 1.000 điểm.

Trong khi đó, thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Gần 2 giờ giao dịch mới chỉ có 1.500 tỷ đồng đổ vào HSX và hơn 300 tỷ đồng đổ vào HNX. Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư vẫn rất yếu và chưa sẵn sàng giải ngân.

Hết phiên sáng nay, VN-Index giảm 15.08 điểm tương ứng 1,49% còn 999,9 điểm, về mức thấp nhất trong ngày và chính thức đánh mất mốc 1.000 điểm. Nguyên nhân kéo sập thị trường chủ yếu đến từ các mã lớn trong rổ VN30. Chỉ số VN30-Index sáng nay cũng đã giảm mạnh 23,35 điểm tương ứng 2,34%. Trong khi đó HNX-Index mất 2,14 điểm tương ứng 1,79% còn 117,51 điểm.

Thanh khoản toàn sàn chỉ đạt hơn 2.500 tỷ đồng, trong đó HSX thu hút được gần 2.200 tỷ đồng với 77,7 triệu cổ phiếu chuyển nhượng; khối lượng giao dịch trên HNX là 37,5 triệu cổ phiếu tương ứng 470 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của Công ty chứng khoán TPHCM (HSC), các chuyên gia phân tích kỹ thuật của HSC lưu ý, ngưỡng hỗ trợ mạnh đặt tại mức 970. Do đó, phiên biến động hôm qua là sự điều chỉnh mở rộng do những lo ngại ngày càng gia tăng đối với các thị trường mới nổi.

“Thị trường được kỳ vọng đã ngừng điều chỉnh, tuy nhiên có vẻ như thực tế không như vậy. Mặc dù vậy sự sụp đổ cần được xác nhận và lực hỗ trợ vẫn xuất hiện ở mức 1.000. Tuy nhiên, bức tranh phân tích kỹ thuật lại không quá khả quan. Do đó giai đoạn củng cố có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới” – HSC lưu ý.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SHS lại dự báo, trong phiên giao dịch 22/5, lực cầu tại các ngưỡng hỗ trợ đang ở rất gần có thể giúp chỉ số VN-Index hồi phục nhẹ trở lại với nền tảng thanh khoản thấp.

Công ty này khuyến nghị, nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn trong giai đoạn này và quan sát thị trường để có quyết định hợp lý. Nhà đầu tư dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có triển vọng tăng trưởng tích cực.

Tác giả: Bích Diệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP