Giáo dục

Môn văn: Nắm vững các bước làm của mỗi kiểu bài

Đề thi kỳ thi THPT quốc gia sắp tới về môn văn có lẽ cũng sẽ có ba phần: đọc hiểu văn bản, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.


Thí sinh tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi môn văn tại điểm thi Trường THPT Gia Định thuộc cụm thi của ĐHQG TP.HCM, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 - Ảnh: NHƯ HÙNG

“Tự tin, cẩn thận, trình bày rõ ràng, mạch lạc, đó là những yếu tố cơ bản để làm tốt bài thi môn văn"

Nếu dự đoán không nhầm thì số điểm của mỗi phần theo trình tự cũng sẽ là 3 - 3 - 4.

Về phần đọc hiểu, ngoài những câu hỏi như những năm trước, có thể năm nay đề thi sẽ chú ý thêm yếu tố từ vựng, viết đoạn văn có tính phản biện hơn là tán đồng. Văn bản được lựa chọn ở ngoài sách giáo khoa và trên báo chí là khả năng lớn.

Về nghị luận xã hội, hi vọng đề thi năm nay sẽ gai góc hơn, đúng với tầm cỡ của đề thi đại học. Tất nhiên, vấn đề bàn luận vẫn phải là những vấn đề trong đời sống: đạo đức, lối sống, ý thức công dân...

Cũng có thể là những vấn đề đang có tính thời sự hiện nay: thực phẩm bẩn và lương tâm của người sản xuất, ứng xử văn hóa của người Việt nơi công cộng và trong lễ hội, môi trường sống và trách nhiệm của mỗi người...

Về nghị luận văn học, dạng đề phân tích cả bài thơ hoặc một câu chuyện là khó có thể ra. Vì như vậy quá nặng đối với thí sinh.

Khả năng lớn nhất là phân tích hai đoạn thơ hoặc hai đoạn văn của hai tác phẩm khác nhau, để tìm ra nét tương đồng khác biệt.

Cao hơn nữa, có thể yêu cầu thí sinh liên hệ với tác phẩm có cùng chủ đề, hoặc cùng tác giả đã được học ở những năm trước. Đây cũng là khâu đột phá để tiến tới đề mở sau này, không giới hạn bài thi, mà chú trọng vào kỹ năng làm bài và kỹ năng cảm thụ tác phẩm.

Làm thế nào để làm bài thi môn văn thật tốt?

Khi bước vào phòng thi, dù lệch tủ hay trúng tủ, các em cũng không nên lo lắng, sợ hãi làm mất tự tin, phải hết sức bình tĩnh. Điều quan trọng của một bài làm là phải đủ ý, trình bày rõ ràng, mạch lạc và nhất là chữ viết phải dễ đọc.

Muốn đạt được những điều nói trên, thứ nhất các em phải nắm vững các bước làm bài của mỗi kiểu bài. Với đọc hiểu văn bản, chú ý phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, biện pháp tu từ, đặt tiêu đề tìm bố cục, viết đoạn văn ngắn theo yêu cầu.

Với nghị luận xã hội cần chú ý lý lẽ lập luận, phải có dẫn chứng hay, tìm ra được hậu quả, nguyên nhân, giải pháp của vấn đề bàn luận.

Với nghị luận văn học, khi phân tích nội dung bao giờ cũng nhớ kèm theo yếu tố nghệ thuật. Ngoài ra, khi phân tích xong, các em cần phải rút ra ý nghĩa của tác phẩm, và lưu ý cảm xúc của tác giả.

Trong quá trình phân tích nếu kết hợp so sánh với các tác giả, tác phẩm cùng thời, hiệu quả bài viết sẽ cao hơn.

Thứ hai, phải biết phân bố thời gian một cách hợp lý. Các em có ba giờ để làm bài. Phần đọc hiểu 30-45 phút, nghị luận xã hội 60 phút, nghị luận văn học 75 phút.

Thứ ba, cần đọc thật kỹ đề và ghi ra các ý chính một cách vắn tắt nhất, để không sót ý trong quá trình làm bài.

Tác giả bài viết: Hoàng Thị Thu Hiền

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP