Tin địa phương

Mời thầu bất thường tại dự án đường ven biển Quảng Bình?

Mặc dù được mời thầu rộng rãi trong nước (theo hình thức đấu thầu qua mạng), nhưng Dự án đường ven biển Quảng Bình (ĐVBQB) có tổng vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng lại có rất ít nhà thầu tham gia, gây xôn xao dư luận.

Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Bình (chủ đầu tư), Dự án ĐVBQB có tổng mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng do Chính phủ cấp, đi qua hầu hết các địa phương ven biển tỉnh Quảng Bình. Trong đó, nhiều đoạn thực hiện trên cơ sở nâng cấp mở rộng các trục đường ven biển đã có sẵn.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, tổng chiều dài 85,4km, nền đường 12m, bề rộng mặt cắt đường 7m, bề rộng lề gia cố 4m và bề rộng lề đất 1m, vận tốc chạy xe đạt 80km/h. Riêng những đoạn tuyến đi qua khu đô thị, khu dân cư có mặt cắt ngang theo quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư đã được phê duyệt. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2026.

Khoản 2, Điều 12, Nghị định 63, ngày 26/6/2014 quy định: Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Ngày 18/11/2021, Sở GTVT Quảng Bình đăng thông tin mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với gói thầu xây lắp số 5 và số 6, tương ứng số tiền 391,474 tỷ đồng và 469,676 tỷ đồng. Ngày 4/12 mở thầu, chỉ có ba nhà thầu tham gia ở gói thầu số 5 và hai nhà thầu tham gia ở gói thầu số 6. Đặc biệt mới đây nhất, khi mở gói thầu số 4, có tổng tiền 337,971 tỷ đồng, nhưng duy nhất một nhà thầu tham gia.

Đặt tiêu chí hạn chế nhà thầu?

Nguyên nhân của việc rất ít nhà thầu tham gia tại Dự án ĐVBQB được cho là do bên mời thầu đưa nhiều tiêu chí “khó” thậm chí là vi phạm Luật Đấu thầu như: Yêu cầu nhà thầu phải sở hữu mỏ đất, đá hoặc có hợp đồng nguyên tắc; sở hữu trạm trộn bê tông nhựa; phải có số dư trong tài khoản; yêu cầu chứng chỉ đối với nhân sự… Ngoài ra hồ sơ mời thầu còn yêu cầu cự ly mỏ đất phải dưới 30km, mỏ đá dưới 70km và trạm trộn bê tông nhựa dưới 60km tính từ chân công trình.

Tuyến đường ven biển Quảng Bình đi qua 6 huyện, thành phố, thị xã của Quảng Bình

Lý giải điều này, ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho rằng: Đây là công trình nhóm A, cần những nhà thầu có năng lực thực sự để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình. Các tiêu chí mời thầu đều đúng với chủ trương của Chính phủ, của Bộ GTVT và tỉnh Quảng Bình.

Đáp lại quan điểm của ông Năm, một nhà thầu (xin được giấu tên) cho rằng: “Doanh nghiệp tôi tham gia đấu thầu khắp cả nước, gặp nhiều công trình nhóm A nhưng chưa nơi nào mời thầu kiểu bắt chẹt như ở Dự án ĐVBQB. Có nhiều tiêu chí làm “khó” của Sở GTVT Quảng Bình như: Việc nhà thầu phải sở hữu trạm trộn bê tông nhựa, cự li dưới 60km… là hạn chế các nhà thầu ngoại tỉnh tham gia; Việc nhà thầu phải có số dư trong tài khoản tối thiểu 40% nguồn lực tài chính mà nhà thầu cam kết để thực hiện gói thầu là một yêu cầu trên trời rơi xuống, chưa có tiền lệ” - một nhà thầu cho biết.

Một chuyên gia về đấu thầu khẳng định, các tiêu chí mà bên mời thầu đưa ra ở trên làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm Luật Đấu thầu. Đơn cử, quy định nhà thầu phải có mỏ, hoặc hợp đồng nguyên tắc, bắt buộc sở hữu trạm trộn bê tông nhựa: Đây là vật liệu có sẵn trên thị trường, không phải hàng hóa đặc thù nên không cần thiết phải đưa vào tiêu chí mời thầu. Tại mục a, điểm 5 Chỉ thị 47 của TTg ngày 17/12/2017 quy định rõ: Không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất.

Vị chuyên gia này nói: “Tôi đơn cử thêm ví dụ, như gói thầu số 5, bên mời thầu yêu cầu nhà thầu phải có số dư tối thiểu 9,8 tỷ đồng trong tài khoản (tương đương 40% nguồn lực tài chính mà nhà thầu cam kết để thực hiện gói thầu) mới cho tham gia dự thầu là vi phạm bí mật của doanh nghiệp. Trong lúc các quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu không bắt buộc. Các quy định này đã trở thành những “giấy phép con” khi trực tiếp hạn chế sự tham gia của đông đảo các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu đến từ địa phương khác”.

Nhiều doanh nghiệp chuyên thi công xây dựng giao thông cho rằng, một dự án có nguồn vốn đầu tư lớn, có nhiều gói thầu, tuyến đường chủ yếu đi trên nền cát được xem là dễ thi công, nhưng lại rất ít nhà thầu tham gia là một dấu hiệu bất thường.

Tại mục a, Điểm 5 Chỉ thị 47 của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2017 quy định rõ: Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử.

Tác giả: Hoàng Nam

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: mới thầu , dự án , quảng bình

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP