Luật Tố cáo (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 9 chương, 67 điều, quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.
Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm như cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo; Can thiệp trái pháp luật, cản trở việc giải quyết tố cáo; Đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo; Bao che người bị tố cáo; Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết đa số đại biểu không tán thành việc mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, thư điện tử, fax |
Đáng chú ý về hình thức tố cáo, luật chỉ chấp thuận việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Trước đó trong các phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị mở rộng hình thức tố cáo bằng việc cho phép tố cáo qua fax, email, thư điện tử.
Tuy nhiên theo báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày, đa số ý kiến đề nghị giữ hình thức tố cáo như luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để bảo đảm tính khả thi. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giữ hình thức tố cáo như luật hiện hành.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi) |
Về quy định bảo vệ người tố cáo, luật mở rộng phạm vi, theo đó không chỉ bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo mà còn áp dụng quyền bảo vệ tương tự đối với vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo.
Luật cũng quy định người tố cáo chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Cùng với đó, người bị tố cáo được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; Được phục hồi danh dự, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra...
Tác giả: Băng Tâm
Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô