Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, năm 2017, huyện Minh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, địa phương đã linh hoạt trong việc lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ nông dân, đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, nhiều hộ nông dân mạnh dạn đưa các loại giống cây trồng có năng suất cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện vào sản xuất đại trà.
Nhiều đoạn đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Minh Hóa chưa được bê tông hóa. |
Hiện nay, toàn huyện có 42 mô hình trang trại, gia trại cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Về lâm nghiệp, huyện vẫn tiếp tục thực hiện đề án phát triển trồng rừng kinh tế nhằm khai thác tối đa các nguồn lực về tài chính, lao động, phục vụ công tác phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
Trong năm, huyện đã vận dụng nhiều nguồn vốn khác nhau để xây dựng, tu sửa các công trình giao thông nông thôn với tổng chiều dài 11,57km, nguồn vốn đầu tư gần 41 tỷ đồng. Nhờ quan tâm đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn, đến nay, hầu hết các thôn, bản đã có đường về tận nơi.
Nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã vận dụng các nguồn vốn cùng với sự đóng góp công sức, tiền của nhân dân xây dựng thêm các công trình giao thông nội thôn, nội đồng, đường dân sinh bảo đảm phục vụ cho nhu cầu sản xuất.
Đến nay, toàn huyện đã có trên 70% số xã đạt tiêu chí thủy lợi, điện nông thôn và nhiều xã đạt tiêu chí trường học, nhà văn hóa xã, sân vận động và khu thể thao được làm mới. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực.
Đến nay, 12/15 xã đạt chuẩn tiêu chí giáo dục (chiếm 80%), 11 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 44,4% tỷ lệ người dân được tham gia bảo hiểm y tế và hơn 81% người dân được dùng nước sạch hợp vệ sinh.
Năm 2017, huyện Minh Hóa đã phân bổ 10,8 tỷ đồng cho các dự án đã hoàn thành, chuyển tiếp và các công trình mới đã khởi công theo quy định trong Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM. Toàn huyện có hàng nghìn hộ tham gia hiến đất, hiến tài sản giải phóng mặt bằng với tổng diện tích trên 70.000m2 đất các loại... Nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân, đến nay huyện đã đạt trung bình 11,6 tiêu chí. Xã đạt tiêu chí cao nhất là Quy Hóa với 18 tiêu chí, có 10 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 4 xã đạt từ 5-9 tiêu chí...
Tuy nhiên, công tác XDNTM ở huyện Minh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đã được quan tâm, đầu tư mạnh nhưng so với yêu cầu chuẩn NTM còn rất khó thực hiện, nhất là các xã ở biên giới, vùng sâu vùng xa. Hiện, các nguồn lực khác huy động phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng rất hạn chế, tiến độ xây dựng một số công trình hoàn thành chậm.
Các bản làng ở xã biên giới như: bản Rôông, bản Khe Cấy, bản Ka Oóc (xã Trọng Hóa), chưa có đường bê tông về bản. Riêng tuyến đường vào bản Lòm qua 8 bản ở xã Dân Hóa và Trọng Hóa có nhiều đoạn bị sạt lở, sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng khiến người và các phương tiện qua lại hết sức khó khăn.
Mặt khác, ngành nông nghiệp huyện Minh Hóa còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém với mô sản xuất nhỏ, sản lượng thấp, các loại nông sản chưa có thương hiệu nên sức cạnh tranh kém, sản phẩm chưa thu hút được người tiêu dùng, phát triển không ổn định, thiếu tính bền vững. Việc tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiện còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến sự đầu tư vào khâu chế biến và bảo quản vẫn còn bất cập, giá trị gia tăng của các nông sản chưa cao.
Hai chương trình trọng điểm của huyện là trồng rừng kinh tế và phát triển chăn nuôi bước đầu đã mang lại hiệu quả, giúp cho nhiều người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, giá các loại vật nuôi, như: bò, lợn, giảm rất mạnh khiến nhiều người chăn nuôi bị thua lỗ.
Rừng trồng đã mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân, nhưng trận bão số 10 năm 2017 đã làm trên 3.000 ha rừng trồng bị thiệt hại từ 70% đến 100%. Những tác động đó làm khó khăn công tác giảm nghèo. Đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn cao (trên 34%) và đây cũng là tiêu chí khó đạt nhất đối với huyện Minh Hóa.
Về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm qua, Trung tâm dạy nghề tổng hợp Minh Hóa đã triển khai đào tạo 4 lớp cho nông dân với hàng trăm hộ tham gia. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nông nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra; phương pháp đào tạo chủ yếu là tập trung ở trên lớp, nên nhiều nông dân không có điều kiện để tham gia đầy đủ các buổi học. Một số nội dung đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất và nhu cầu của doanh nghiệp. Nguồn kinh phí đào tạo chủ yếu từ ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Các ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội chưa có sự phối hợp, gắn kết trong tuyên truyền, định hướng thị trường việc làm. Thời gian đào tạo ngắn nên chưa gắn việc đào tạo lý thuyết với thực hành. Sau khi đào tạo xong, nhiều người dân không có việc làm. Một số nghề tạo ra được sản phẩm nhưng không tiêu thụ được, giá cả lại bấp bênh...
Năm 2016, huyện có xã Quy Hóa đạt chuẩn NTM, nhưng đến năm 2017 lại không giữ được danh hiệu. Bởi, trên đà xây dựng nông thôn mới, Quy Hóa nỗ lực đẩy nhanh tốc độ nâng cao thu nhập và giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, toàn xã Quy Hóa chỉ có 30 ha diện tích trồng lúa hai vụ, năng suất bình quân đạt khoảng 45 tạ/ha và một số diện tích trồng ngô, lạc, rau màu các loại. Là một địa phương ở miền núi, nhưng cả xã chỉ có trên 550 ha đất lâm nghiệp, trong đó 330 ha diện tích rừng giao khoán bảo vệ, trên 113 ha diện tích rừng sản xuất, số còn lại là diện tích đồi núi đá.
Tại các xã biên giới ở Minh Hóa, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn khó khăn, thiếu thốn. |
Chăn nuôi ở xã không phát triển vì không có đồng cỏ để cung cấp thức ăn cho gia súc; tiểu thủ công công nghiệp và dịch vụ không phát triển vì không thể cạnh tranh với địa phương lân cận. Do đó, thu nhập bình quân đầu người của xã chưa đạt trên 18 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, theo bộ tiêu chí mới, thu nhập bình quân đầu người của xã miền núi phải đạt từ 36 triệu đồng/người/năm.
Ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, dù còn rất nhiều khó khăn trong XDNTM, nhưng huyện vẫn quyết tâm, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 11/15 xã (73,33%) đạt tiêu chuẩn NTM và bình quân các xã đạt 16,73 tiêu chí. Để làm được điều này, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương phải cố gắng hết sức để nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.
Năm 2018, huyện sẽ cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của cư dân nông thôn, như: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Về chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, huyện sẽ hỗ trợ để tạo nhiều mô hình sản xuất nhằm tạo việc làm cho bà con, đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 33,15%.
Để phát huy sức mạnh của toàn dân, huyện sẽ thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân...
Tác giả: Xuân Vương
Nguồn tin: baoquangbinh.vn