Đoàn nhà văn Huế bên mộ Nguyễn Lộ Trạch. |
Phong Chương là xã bãi ngang nghèo, cách biển 6 km. Anh Lê Viết Phước, Chủ tịch xã 35 tuổi cho biết, xã có số hộ nghèo cao nhất H. Phong Điền. Nhưng đường sá phong quang lắm, đều bê-tông hóa, ô-tô đi lại, tránh nhau dễ dàng. Trung tâm xã sầm uất như một thị tứ. Có đủ các quán bán tạp hóa, cà-phê... Anh Lê Viết Phước cho người hướng dẫn chúng tôi đi thăm di tích lịch sử nổi tiếng đã được xếp hạng quốc gia của xã. Đó là đền thờ và mộ của cha, em và con đại danh thần Nguyễn Tri Phương. Lâu nay tôi biết về danh tướng này là Tổng đốc Hà Nội, người chỉ huy đánh Pháp giữ thành Hà Nội. Nhưng tôi không ngờ ông sinh ra trong một gia đình làm ruộng và nghề mộc ở Phong Chương này và đền thờ, lăng mộ của ông ở đây! Chỉ chừng ấy thôi, Phong Chương đã trở thành địa chỉ đỏ ngàn đời của những người con Đất Việt. Một vùng quê thuần nông nghèo mà gần 200 năm trước đã có một gia đình vĩ đại, đã sinh ra những người con vĩ đại. Nguyễn Duy (1809–1861), là một danh tướng triều Nguyễn hy sinh trong Trận Đại đồn Chí Hòa Gia Định là em trai Nguyễn Tri Phương. Con trai ông, Nguyễn Lâm hy sinh cùng cha trong cuộc chiến giữ thành Hà Nội. Đó là sự hy hữu và nét vàng son của lịch sử Phong Chương. Đền thờ “Tam công trung hiếu tiết nghĩa Nguyễn Tri Phương- Nguyễn Duy- Nguyễn Lâm” rộng rãi, được xây dựng ngay trong làng quê, bên đồng lúa. Trong đền thờ có tượng bán thân Nguyễn Tri Phương, nhang khói nghi ngút. Ngoài đền thờ có tượng đài “Tam công lẫm liệt” cao vút, như bút khắc tạc lịch sử lên trời xanh!.
Nguyễn Tri Phương tên là Nguyễn Văn Chương, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân (1800). Tên Nguyễn Tri Phương là do vua Tự Đức đặt cho ông năm 1850. Ông là vị tướng Tổng chỉ huy quân đội triều Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873). Nguyễn Lâm là con trai thứ hai của đại thần Nguyễn Tri Phương. Sử chép: Nguyễn Lâm khiêm nhường, học giỏi như cha. Năm 1864, ông được vua Tự Đức gả em gái là Đồng Xuân công chúa cho, và phong làm Phò mã Đô úy. Nguyễn Lâm liền cùng cha chỉ huy giữ cửa Đông Nam thành Hà Nội. Ông bị tử thương tại trận ngày 20-11-1873, lúc 29 tuổi. Được tin Nguyễn Lâm tử trận, vua Tự Đức ban dụ rằng: ... Nguyễn Lâm không có trách nhiệm gì đến việc giữ thành, mà biết hiếu nghĩa như thế, ơn nước, tiếng nhà hai đằng không hổ thẹn; so với bọn con em tầm thường của bọn quý phái khác, cùng những kẻ lúc bấy giờ bỏ quan, tìm nơi tiện lợi cho mình há chẳng càng nên khen thưởng ư?...”. Mộ danh thần Nguyễn Tri Phương và phò mã Nguyễn Lâm nằm ở một đồi đất giữa cánh đồng Phong Chương, cây cối rợp mát, gió lộng. Chụp ảnh bên mộ danh thần, tôi như cậu học trò xúc động trước chứng tích lịch sử hào hùng của làng quê Phong Chương!
Rời Phong Chương, chúng tôi về xã Điền Môn gần đó để chiêm ngưỡng dung nhan làng vàng Kế Môn. Một làng thuần nông với rất nhiều rú cát. Ở đây đường sá, nhà cửa đẹp hơn phố thị. Kế Môn là quê hương của hàng ngàn người làm nghề vàng giàu có trong nước và khắp thế giới. Làng Kế Môn còn nổi tiếng là quê hương của một trí thức uyên bác. Đó là nhà cách tân, nhà thơ Nguyễn Lộ Trạch (1853- 1895). Ông không đi thi để ra làm quan, nhưng là người đọc nhiều sách, biết nghề thuốc, có kiến thức sâu rộng, thường ngao du khắp các tỉnh tìm người cùng chí hướng kết giao. Năm 20 tuổi, ông kết hôn với Trần Thị Nhàn, con gái Phụ chính triều Nguyễn Trần Tiễn Thành. Nhờ thế, ông đã đọc được nhiều sách tân thư, đọc được cả bản những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ và chịu ảnh hưởng những tư tưởng canh tân này. Ông từng viết 2 cuốn “Thời vụ sách thượng”, “Thời vụ sách hạ” dâng lên vua bàn chuyện đánh Pháp nhưng không được triều đình quan tâm. Ông cũng có bài “Thiên hạ đại thế luận” (Bàn về thế lớn trong thiên hạ) bàn về tình thế các nước Á Đông trước nguy cơ thôn tính của phương Tây. Nguyễn Lộ Trạch còn để lại nhiều bài thơ chữ Hán rất hay. Xin trích một khổ thơ trong bài II, bài thơ Nỗi lòng mùa thu (gồm 8 bài): Ghìm cương núi Ngự bóng chiều tà,/ Nhớ lại năm nào độ tuổi hoa./ Tai họa đắm chìm hình đất nước./ Mảng bè trôi nổi cảnh sơn hà. Tác phẩm ông, cả chính luận và thơ rất nhiều, nhưng đều đã thất lạc, chỉ còn lại tập Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch di văn (Những bài văn còn lại của Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch) do người đời sau góp nhặt. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam viết: “Nguyễn Lộ Trạch tuy không xuất thân bằng con đường khoa cử, nhưng ông có một sức học uyên thâm với tinh thần thực dụng, và một tầm nhìn sâu sắc nên được giới sĩ phu yêu nước đương thời kính phục. Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp... rất hâm mộ con người và thơ văn ông. Chính Huỳnh Thúc Kháng đã gọi ông là một “văn hào” của nền văn hóa Việt Nam”. Mộ nhà canh tân Nguyễn Lộ Trạch nằm ở rú cát Kế Môn đã được công nhận là di tích quốc gia, đơn sơ mà trang nghiêm, ấm áp, có nhiều văn nhân thi sĩ, trí thức đến viếng.
Mới đi qua hai xã vùng bãi ngang Phong Điền, đoàn nhà văn chúng tôi đã thu nhận được những trầm tích lịch sử, văn hóa khảm vào trí nhớ. Đất Phong Điền đến làng quê nào cũng có những di tích lịch sử như thế. Về xã Phong Bình có danh nhân Trần Văn Kỷ là nhà tham mưu đắc lực của triều Tây Sơn- Quang Trung Nguyễn Huệ và là quê nhà thơ “Mùa xuân nhỏ nhỏ” Thanh Hải. Qua Phong Hòa có mộ của họa sĩ vẽ sơn dầu đầu tiên, nhà giáo lớn của Lê Văn Miến, có làng cổ Phước tích 500 năm lịch sử... Vâng, hãy đi về các làng quê để nhận được những trầm tích của quá khứ dân tộc làm vốn liếng cho mình...
Tác giả: NGÔ MINH
Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng