Cách đây gần 30 năm, chồng bà Lưu qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi, bỏ lại bà đang mang thai 5 tháng.
Nuốt trọn những giọt nước mắt đau đớn, bà Lưu một mình sinh nở và nuôi con trai khôn lớn. Mỗi ngày đi làm về, bà đều ôm con vào lòng, kể cho con những nỗi vất vả của mình và than thở: “Cuộc sống này thật không dễ dàng gì, nào là học phí, rồi tiền sinh hoạt của con. Tương lai, nhất định con không được phụ lòng, để mẹ buồn đâu nhé. Mẹ đã hy sinh rất nhiều cho con đó”.
Thấu hiểu sự hy sinh của mẹ, con trai bà Lưu luôn rất hiếu thuận, ngoan ngoãn, thương và thông cảm cho mẹ. Dù mẹ đúng hay sai, anh cũng ủng hộ bà vô điều kiện.
Chẳng bao lâu, con trai bé bỏng ngày nào đã khôn lớn, trở thành chỗ dựa tinh thần duy nhất của bà Lưu.
Chẳng những không tái hôn vì cảm thấy con trai là tất cả phần còn lại của cuộc đời mình, bà còn chưa bao giờ nghĩ đến một ngày con mình sẽ kết hôn. Vì vậy, khi thấy con dắt bạn gái về ra mắt, người mẹ bất giác cảm thấy rất khó chịu. Tuy nhiên, bà không thể hiện ra ngoài, thậm chí còn nhiệt tình chuẩn bị một bữa tối thịnh soạn.
Sau đó ít lâu, con trai nói muốn cưới cô gái đó làm vợ. Trong thâm tâm, bà Lưu như bị “sét đánh ngang tai”. Bà tự nhủ: Con mình đã ra đi, không còn thuộc về mình nữa.
Mẹ chồng ghen khi thấy con trai chiều con dâu. |
Sau khi kết hôn, theo yêu cầu của bà Lưu, con trai và con dâu dọn đến sống chung với mẹ. Ban đầu, bà nghĩ như vậy thì mình vẫn được sống gần con trai. Tuy nhiên, tình cảm con trai dành con dâu lại khiến bà cảm thấy khó chịu.
Thậm chí, bà đâm ra hận vì cho rằng con trai cưới vợ xong đã quên mất mẹ. Suy nghĩ mình bị bỏ rơi khiến bà không thể chịu đựng được. Từ đó, mỗi khi con dâu không ở nhà, bà Lưu lại ngồi than khóc với con trai, lôi những chuyện vất vả ngày xưa ra kể lại và nói mình thật đáng thương khi bị con ngó lơ.
Bị mẹ liên tục gieo rắc những suy nghĩ tiêu cực như vậy, con trai bà Lưu dần thay đổi thái độ với vợ vì cảm thấy mẹ rất buồn sau khi có con dâu. Chẳng bao lâu sau, anh bất ngờ đệ đơn ly hôn chỉ vì không muốn làm mẹ buồn thêm nữa.
Vợ anh vô cùng kinh ngạc. Cô không ngờ đằng sau một gia đình có vẻ hòa thuận lại là cách hành xử méo mó đến vậy. Nhìn thấy sự bất thường trong mối quan hệ giữa mẹ chồng và chồng, cô lập tức đồng ý ly hôn, chỉ muốn rời xa hai mẹ con này càng sớm càng tốt.
Để làm yên lòng mẹ, sau khi ly hôn, người con trai đã quyết định ở bên bà mà không lấy vợ nữa. Bà Lưu cuối cùng đã đạt được mục đích chiếm hữu con trai cho riêng mình.
Sự việc vô cùng phi lý trên đã bị hàng xóm đồn thổi, bàn ra tán vào. Sự phụ thuộc của bà Lưu vào con trai không quá khó hiểu, tuy nhiên, mức độ thái quá của nó khiến những người xung quanh cảm thấy có phần kỳ dị.
Cha mẹ không thể đồng hành cùng con suốt đời. Con cái dù thế nào cũng cần phải trưởng thành, lập gia đình, sinh con và có cuộc sống riêng. Người con trai khi đã trưởng thành cần phải có chủ kiến của mình, không thể dễ dàng lung lay trước những tác động bên ngoài.
Tác giả: DƯƠNG QUÂN
Nguồn tin: Báo VTC