Nhân ái

Mất chân do tai nạn lao động, người phụ nữ cầu cứu trong nước mắt

“Tôi không dám đi viện, không có tiền mua thuốc, phải cố chịu đựng những cơn đau vò xé” - là lời kêu cứu xót xa của người phụ nữ 55 tuổi bị tai nạn lao động dẫn đến cụt chân, nhưng chỉ được doanh nghiệp hỗ trợ vỏn vẹn 10 triệu đồng.

Viết đơn cầu cứu trong nước mắt

Từ ngày bị mất chân trái, chị Nguyễn Thị Tuyết loay hoay với đôi nạng để đi lại. Ảnh: Phạm Thông

Lần theo địa chỉ của người gửi đơn kêu cứu, chúng tôi tìm gặp chị Nguyễn Thị Tuyết (55 tuổi) tại ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong xóm Xuân Hiền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Hoàn cảnh gia đình chị rất bi đát. Vợ bị tai nạn lao động cụt chân, đi lại khó khăn; chồng mới bị thương nặng do tai nạn giao thông đang ở viện.

Chị Tuyết cho biết vào khoảng tháng 8, tháng 9 năm 2020, chị được thuê tới làm việc tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thành Phát (trụ sở tại xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).

“Họ giới thiệu tôi đến, lãnh đạo Công ty có phỏng vấn, rồi đưa vào làm việc, không có hợp đồng lao động, không được tập huấn về an toàn lao động, tiền công khoảng 200 nghìn/ngày, ngoài ra không có chế độ bảo hiểm gì cả, có việc thì làm, không thì nghỉ” - chị Tuyết nói.

Khoảng 2h sáng ngày 20.12.2020, khi đang cho gỗ vào máy nghiền tại công ty thì chị Tuyết bị trượt chân, cuốn vào bánh răng. Chị được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng do chân trái đã bị nghiền nát nên phải cắt cụt 1/3 đùi, trở nên tàn phế.

Theo lời chị Tuyết, khi tai nạn xảy ra và trong quá trình chị phải cấp cứu, điều trị gia đình chỉ nhận được sự hỗ trợ từ phía Công ty 10 triệu đồng; một số cá nhân trong công ty quyên góp, thăm hỏi 2 triệu đồng.

Ngoài ra kể từ khi ra viện, đến nay đã 9 tháng trôi qua, chị không nhận được bất kì sự hỗ trợ, bồi thường nào từ phía công ty. Chị đã nhiều lần liên lạc với công ty, nhưng chỉ nhận được sự né tránh của những người có trách nhiệm.

Chị Tuyết bị tai nạn, phải vay mượn để điều trị, giờ tàn phế không làm được gì, thu nhập của cả gia đình giờ chỉ trông chờ vào khoản tiền công phụ hồ của chồng. Nhưng cách đây mấy ngày, chồng chị là anh Chu Đình Khánh (59 tuổi) bất ngờ bị tai nạn giao thông, gãy xương tay, xương bả vai và 5 xương sườn, hiện đang ở bệnh viện.

“Tôi khổ lắm, đau đớn về thể xác, kinh tế kiệt quệ, không dám mua thuốc, không dám đi viện vì không xoay đâu ra tiền, cũng không có tiền lắp chân giả” – chị Tuyết nghẹn lời.

Tai nạn do người lao động ngủ gật?

Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thành Phát, nơi xảy ra vụ tai nạn lao động làm chị Nguyễn Thị Tuyết mất chân trái. Ảnh: Phạm Thông

Chiều 24.9, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quế - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thành Phát xác nhận chị Nguyễn Thị Tuyết là lao động tại Công ty, làm việc theo kiểu công nhật, chỉ thỏa thuận miệng, không có hợp đồng lao động bằng văn bản.

Ông Nguyễn Văn Quế cho biết sau khi tai nạn lao động xảy ra, Công ty đã hỗ trợ cho chị Tuyết gần 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo chị Tuyết, số tiền mà công ty hỗ trợ chỉ là 10 triệu đồng, cùng với 2 triệu đồng tiền thăm hỏi của các cá nhân trong công ty.

Phóng viên chất vấn như vậy có phải doanh nghiệp vô trách nhiệm với người lao động hay không, ông Nguyễn Văn Quế nói: “Không hiểu họ nói vô trách nhiệm ở chỗ nào” và cho biết thêm đang tiếp tục làm việc, thỏa thuận với người lao động.

Về nguyên nhân tai nạn lao động, ông Nguyễn Văn Quế cho rằng trong khi làm việc, do chị Tuyết ngủ gật nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc trên, các công nhân cùng ca làm chứng kiến vụ việc, kể cả chính chị Tuyết cũng đã xác nhận.

Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Tuyết phủ nhận: “Thời điểm đó chỉ mình tôi có mặt tại dây chuyền sản xuất viên nén mùn cưa của công ty, sau khi chân tôi bị cuốn vào và bị nghiền nát tôi mới gọi anh Tuấn là công nhân gần đó đến hỗ trợ. Không có ai làm cùng sao lại nói tôi ngủ gật?. Ông Quế nói thế là hoàn toàn sai sự thật”.

Ông Nguyễn Văn Hòe – Trưởng Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Thanh Chương cho biết: “Chúng tôi có nắm được thông tin về vụ việc của bà Nguyễn Thị Tuyết, tuy nhiên chưa nhận được bất kì đơn thư phản ảnh nào của các bên liên quan nên chưa làm việc cụ thể”.

Mọi sự giúp đỡ chị Nguyễn Thị Tuyết, xin gửi về: chị Nguyễn Thị Tuyết. Địa chỉ: xóm Xuân Hiền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương - Nghệ An. Điện thoại: 0382985938.

Tác giả: Quang Đại - Phạm Thông

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP