Mạng xã hội luôn được xem là con dao 2 lưỡi khi vừa giúp kết nối cộng đồng nhưng cũng vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo, nhiều người mất cảnh giác đã trở thành "miếng mồi béo bở" cho những kẻ lừa đảo công nghệ cao này.
Mới đây, độc giả Nguyễn Văn Lộc (Đà Nẵng) đã liên hệ đến Emdep.vn để phản ánh về việc anh bị lừa đảo qua mạng xã hội. Cụ thể, anh Lộc có kết bạn facebook với một người có tài khoản là Lê Duy Trường.
Người này tự nhận mình làm makerting facebook, cung cấp các dịch vụ như tăng like, tăng follow, comment để hỗ trợ cho người bán hàng, tăng doanh thu, mở khóa tài khoản facebook, hack tài khoản mạng xã hội của người khác... với đơn giá là từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng.
Anh Lộc có liên hệ đến Trường để mua gói dịch vụ làm tăng tương tác trên facebook với mức tiền là 140.000 đồng. Hình thức thanh toán là gửi thẻ cào điện thoại.
Sau khi nhắn tin nhận tiền qua thẻ cào điện thoại, đối tượng lừa đảo sẽ chặn người dùng, ẵm trọn số tiền |
Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận xong giá cả và gửi thẻ cào, facebook Lê Duy Trường bất ngờ chặn anh Lộc và ẵm trọn số tiền mà anh Lộc đã gửi sang bằng thẻ cào.
Anh Lộc bức xúc cho biết: "Lúc liên hệ để làm việc, tôi có yêu cầu cho số điện thoại để trực tiếp nói chuyện nhưng người này bảo không dùng điện thoại. Sau khi thấy người này chặn facebook thì tôi mới biết mình bị lừa, tôi thật sự rất bức xúc. Mặc dù số tiền 140.000 đồng không phải là số tiền lớn nhưng nếu người này lừa được 100 người thì tổng số tiền mà người này thu lời bất chính là rất lớn" .
Anh Lộc cũng hi vọng câu chuyện của anh có thể cảnh báo được cho những người khác đang sử dụng mạng xã hội tránh xa những trường hợp lừa đảo như trên.
PV Emdep.vn cũng đã tìm hiểu nhân vật mà anh Lộc phản ánh. Qua cảm quan, những hình ảnh mà người tên Lê Duy Trường này đăng tải trên trang cá nhân rất dễ khiến người khác tin tưởng khi trên hình nền và dòng thời gian liên tục đăng tải hình ảnh mở khóa tài khoản, tăng like và follow.
Thực tế, hiện có một bộ phận không nhỏ các chị em đang buôn bán qua mạng xã hội rất cần đến lượng like và follow lớn để hỗ trợ cho việc bán hàng, kẻ lừa đảo này đã đánh vào tâm lý này để thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, một lượng lớn các bạn trẻ có nhu cầu "sống ảo" cũng cần tăng lượng người theo dõi để thể hiện độ "hot" cũng trở thành nạn nhân của chiêu trò này.
Những kẻ lừa đảo đưa lên những thông tin rất hấp dẫn đối với các chị em để chiếm lấy sự tin tưởng |
Một trong những mánh khoé mà những đối tượng lừa đảo sử dụng là lấy lý do tài khoản quảng cáo bị khóa nên yêu cầu khách hàng gửi tiền để mở khóa mới chạy được quảng cáo. Bằng cách này, nhiều kẻ đã thu lợi cả trăm triệu đồng.
PV đã liên hệ đến chủ facebook Lê Duy Trường để hỏi về dịch vụ lấy lại facebook và tăng lượt tương tác trên facebook. Người này cho biết, với 500.000 đồng là có thể hack được facebook của người khác, chỉ cần chụp lại hình ảnh tên và ảnh avatar của facebook cần hack là có thể hack được, thời gian là 5 tiếng.
Khi hỏi về hình thức thanh toán, người này yêu cầu gửi thẻ điện thoại và nhất quyết không chuyển tiền bằng tài khoản. Nhưng ngay sau khi thấy PV gặng hỏi nhiều về phương pháp thực hiện thì người này có thái độ khó chịu và không muốn trả lời. Sau khi PV nói rõ về nghi vấn lừa đảo thì người này nhanh chóng chặn liên lạc.
Thực tế, không thể nào xảy ra trường hợp có thể hack được tài khoản facebook của người khác bằng cách... chỉ nhìn vào hình ảnh chụp tên và avatar, những kẻ lừa đảo đã bịa ra phương pháp này để lừa người khác mà thôi.
Hiện nay, tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội bằng những mánh khóe này đang diễn ra rất nhiều, khiến những người cả tin dễ dàng mắc bẫy.
Chị Tố Như - một người bán quần áo trẻ em trên mạng xã hội cũng đã bị lừa mất 500.000 đồng vì hi vọng sẽ làm tăng được lượt tương tác trên fanpage của mình.
Chị Như cho biết: "Vì đặc thù công việc là cần nhiều like và follow nên mình mới tìm đến những trang quảng cáo làm tăng tính tương tác. Mình thấy trên facebook đấy có rất nhiều lượt theo dõi nên cũng tin tưởng. Ai ngờ sau khi gửi thẻ điện thoại xong thì bị chặn luôn".
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao PC50 (Công an TP Hà Nội), bà Hà Thị Hằng cho biết, cách thức lừa đảo trên rất giống với hành vi lừa đảo rao bán tiền giả trên mạng xã hội, thuộc về tội danh “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 226 Bộ Luật Hình sự.
Những đối tượng này rất tinh ma khi không hề cung cấp thông tin cá nhân thật, luôn che giấu danh tính để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Nhiều nạn nhân sau khi bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã có trình báo lên nhưng cũng rất khó để cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Đặc điểm chung của những kẻ lừa đảo này là đánh vào tâm lý của nạn nhân, sử dụng nhiều hình ảnh quảng cáo trá hình; không bao giờ cung cấp thông tin cá nhân liên quan đến danh tính như số điện thoại, địa chỉ; không bao giờ chấp nhận thanh toán tiền mặt trực tiếp hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng, chỉ trao đổi qua tin nhắn mạng xã hội, yêu cầu gửi tiền thanh toán bằng thẻ cào điện thoại và phải trả tiền trước mới thực hiện giao dịch; ngay sau khi giao tiền thì chặn ngay tài khoản khiến nạn nhân không biết tìm ai để khiếu kiện.
Điều 226b. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. 1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ; b) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; c) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; d) Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. |
Tác giả: Lương Chi
Nguồn tin: emdep.vn