Có thể hình, thể lực nhưng các cầu thủ nhập tịch của Malaysia lại thiếu tinh thần màu cờ sắc áo cũng như sự hoà nhập cần thiết |
Nhà cầm quân 53 tuổi được xem là kiệm lời, phát ngôn thường có tính toán và “vừa đủ”. Nhưng trong suốt tuần qua, ngày nào báo chí bản địa và báo chí quốc tế cũng dẫn được lời HLV Tan Cheng Hoe. Nội dung mà ông Tan nói gần như được lặp đi lặp lại, rằng, Malaysia đủ sức đánh bại tuyển Việt Nam và họ đã tìm thấy điểm yếu của thầy trò HLV Park Hang-seo. Thêm vào đó, ông thầy Mã còn khẳng định sự tự tin đang… ở mức cao của các học trò.
Với những người hâm mộ bình thường, họ sẽ tin điều này là thật. Vì lời nói của chính người trong cuộc bao giờ cũng đáng tin. Họ suy luận rằng, “phải nắm trong tay thứ gì” thì HLV Tan Cheng Hoe mới dám phát ngôn mạnh mẽ như thế. Tuy nhiên, chỉ cần đặt lời phát biểu của HLV Tan Cheng Hoe bên cạnh “mách nước” của cựu danh thủ Mã Khaled Ali, người tinh ý sẽ nhận thấy sự khập khiễng ở đây?
Danh thủ Ali dường như “không tin” đội hình hiện tại của Malaysia đủ sức tấn công hoặc có phương án uy hiếp cầu môn tuyển Việt Nam. Ông lặp đi lặp lại cụm từ “phải tấn công mạnh” từ cánh, từ trung lộ và vây ráp đối phương nhưng lại không đưa ra trọng tâm “Malaysia nên tấn công vào đâu”? Dường như chính ông cũng không nhìn ra điểm yếu của tuyển Việt Nam ở chỗ nào? Tuy nhiên, qua lời phát biểu của Ali, chúng ta biết rằng, ông “hiểu rõ” yếu điểm của người nhà đến mức nào.
Tức là, danh thủ huyền thoại không tin vào năng lực và trên hết, là tinh thần cống hiến của nửa đội hình nhập tịch trong tay HLV Tan Cheng Hoe! Cái đó đã được bộc lộ phần nhiều trong trận ra quân Malaysia thất bại 0-4 trước UAE. Ngay ngày hôm sau, dư luận và báo chí bản địa đồng loạt bình luận: Tiền đạo De Paula di chuyển còn… ít hơn trọng tài chính, còn tiền vệ gốc Kosovo, Klasnique phù hợp hơn với nhịp độ của một trận đấu lão tướng!
Về phần mình, HLV Tan Cheng Hoe cũng đang mất tự tin. Trước truyền thông và dư luận, ông chỉ lên gân lên cốt che đi sự lo lắng mà thôi. Chỉ cần nhìn vào thành tích đối đầu 4 trận gần nhất, Malaysia của Tan Cheng Hoe thua 3 hòa 1 trước tuyển Việt Nam. Trận hòa duy nhất mà họ giành được là khi Malaysia được thi đấu trước sự cổ động của 80 ngàn CĐV nhà (2-2, lượt đi chung kết AFF Cup 2019). Còn lại, Tuyển Việt Nam toàn thắng trên sân nhà, sân trung lập. Vậy, trước sứ mệnh phải thắng lần này (khi không có sân nhà làm điểm tựa), Malaysia lấy gì để vượt qua tuyển Việt Nam?
Một vấn đề nữa nằm ở các cầu thủ nhập tịch. Ai cũng biết, những ông Tây trong đội hình Malaysia chắc chắn phải có trình độ hơn các nội binh thì mới được tuyển chọn. Nhưng trông cậy vào cầu thủ nhập tịch cũng là chấp nhận phương án “chơi dao hai lưỡi” của HLV Tan Cheng Hoe. Vì nếu thăng hoa, họ sẽ giúp ông giải quyết vấn đề kết quả. Nhưng nếu chưa kịp hòa nhập (như hiện tại), sự có mặt của họ có thể thổi bùng những xung đột lớn hơn thể thao mà trước mắt, đó là giá trị tinh thần. Người Mã có lý khi nói rằng, họ cần sự tận hiến của nội binh hơn là sự có mặt màu mè của ngoại binh. Vì khi cầu thủ nhập tịch chẳng hơn gì người bản địa, Malaysia cần gì phải tốn công?
Do đó, vấn đề của HLV Tan Cheng Hoe hiện nay không chỉ là tinh thần, mà còn là chuyên môn. Trong thời gian chưa đầy một tuần, liệu ông có phương án giúp các ngoại binh kết hợp tốt hơn với nội binh và phát huy hết năng lực vượt trội của họ không?
Nói thêm về điểm số, vị trí và cơ hội, Malaysia kể cả có điểm trước tuyển Việt Nam cũng chưa chắc toại nguyện. Họ có thể mất tất khi trận cuối, Thái Lan là đối thủ. Vì điều kiện đặt ra là Malaysia phải toàn thắng cả hai trận để… tranh vị trí thứ nhì, tiếp đó, là chờ các điều kiện phụ từ nhiều bảng đấu khác mới biết mình được đi tiếp hay không? Điều đó có nghĩa, Malaysia có thắng tất cũng không tự quyết được số phận của mình nên áp lực với HLV Tan Cheng Hoe càng trở nên ngàn cân.
Với tất cả các lý do kể trên, Malaysia chưa ra trận đã “thua” tuyển Việt Nam rất nhiều thứ rồi!
Tác giả: Bảo Thắng
Nguồn tin: Báo Tiền phong