Clip: Vùng "rốn lũ" Tân Hóa, huyện Minh Hóa trong trận lũ trước, nhà bị ngập tới nốc, dân chới với trong "mùa nước nỗi"
Lúc 14 giờ hôm nay (18-10), Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình phát đi cảnh báo lũ khẩn cấp trên các con sông ở địa phương này. Đáng chú ý là 2 con lớn Sông Gianh và sông Kiến Giang.
Nhà dân vùng hạ lưu sông Gianh có nguy cơ ngập lụt chưa từng thấy |
Cụ thể, lúc 13 giờ cùng ngày, mực nước sông Gianh tại xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa) đo được 6,55m trên mức báo động 3 tới 0,5m. Sông Kiến Giang tại thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) dâng cao tới 4,05m trên mức báo động 3 tới 1,35m. Trên lũ lịch sử năm 1979 là 0,14m.
Dự báo trong 12 giờ tới, nước trên các con sông ở Quảng Bình tiếp tục lên nhanh, vượt mức báo động và đạt đỉnh. Không loại trừ khả năng sông Gianh, sông Kiến Giang sẽ xuất hiện lũ đặc biệt lớn, nhiều địa phương ven sông và vùng hạ lưu sẽ bị ngập lụt nghiêm trọng chưa từng thấy.
Tại huyện Lệ Thủy hiện đã có 17.600 nhà dân ở hầu hết các xã bị ngập, một số xã ngập sâu như: An Thủy, Lộc Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, thị trấn Kiến Giang… nước lũ 1-2,5m.
Nhiều nhà dân ở Quảng Bình bị ngập lụt nặng |
Ông Phạm Minh Huấn - Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy - nhận định trận lũ này vượt qua mốc lũ lịch sử của cơn “đại hồng thủy” năm 1979 bởi nhiều khu vực trước kia chưa bị ngập thì lần này lũ nhấn chìm với mức độ sâu.
Cá biệt, tại khuôn viên Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy chưa bao giờ nước ngập thì nay lũ tràn vào khá sâu, bệnh viện mất điện, phải chạy máy phát điện nên công tác khám chữa bệnh gặp khó khăn.
Tại các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn nằm ở khu vực hạ lưu sông Gianh hiện có gần 3.700 ngôi nhà bị ngập lụt từ 0,2m-1,5m; 45 hộ của các xã, phường đã được di dời đến các điểm cao tập trung như trường học, nhà thờ... Trong đó, một số địa phương ngập sâu, như: thôn Văn Phú xã Quảng Văn; thôn Công Hòa, xã Quảng Trung; các thôn: Cồn Nâm, Tân Định, Minh Hà, Đông Thành xã Quảng Minh; thôn Cồn Sẻ xã Quảng Lộc…
Rốn lũ "Tân Hóa" nhà ngập tới nóc |
Trong khi đó, ông Trương Thanh Duẫn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa - cho biết hiện nước lũ lại địa phương này đang dâng lên rất nhanh làm 600 ngôi nhà dân bị ngập sâu từ 1,5 - 4m, giao thông bị chia cắt hoàn toàn.
“Hiện trời vẫn đang mưa to cộng thêm nước từ thượng nguồn đổ về, “rốn lũ” Tân Hóa trước nguy cơ chạm mốc cơn “đại hồng thủy” từ những năm lũ lớn về trước. Toàn bộ người dân và đàn gia súc của xã vẫn an toàn; tuy nhiên nếu trời tiếp tục mưa lớn, nước lũ dâng cao, vượt các cột định vị của nhà phao thì sẽ rất nguy hiểm...” - ông Duẫn thông tin.
Trong ngày 18-10, ông Trần Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - cũng đã đi kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại các xã Cảnh Hóa, Cảnh Dương (Quảng Trạch), xã Quảng Hải (TX. Ba Đồn) và xã Võ Ninh (Quảng Ninh).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ tại xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn |
Ông Trần Phong yêu cầu chính quyền các địa phương cần triển khai ngay các phương án ứng phó với lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ”.
Trong đó, cần ngăn chặn tình trạng người dân vớt củi, đánh cá trên sông trong suốt thời gian mưa lũ; tuyệt đối không để người dân qua lại tại các tuyến đường giao thông bị nước lũ chia cắt; bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện, lương thực 24/24 để xử lý các tình huống xấu, ứng cứu kịp thời khi cần thiết.
Lúc 14 giờ chiều nay (18-10), Ban Chỉ huy Phòng PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết mưa lũ đã làm hơn 34.684 nhà dân bị ngập, gần 200 thôn, bản bị cô lập, chia cắt. Các huyện bị ngập nặng như: Lệ Thủy (17.600 nhà); Quảng Ninh (10.448 nhà), thị xã Ba Đồn (3.696 nhà…Trong đêm qua, hàng ngàn người dân phải di dời khẩn cấp do lũ lên nhanh và quá sâu.
Tác giả: HOÀNG PHÚC
Nguồn tin: Báo Người Lao động