Giáo dục

Lớp học phải che bạt chắn gió ở thủ đô

Mỗi khi không khí lạnh tràn về, học sinh 8 lớp khối 6-7 trường THCS Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hứng trọn từng cơn gió rét do phòng học không có cửa.

Trường THCS Thụy Phương (phường Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hiện như đại công trường. Từ cổng vào, bên trái là đống vật liệu xây dựng ngổn ngang và khu nhà thể chất mới xây xong móng. Bên phải là dãy nhà hai tầng không cửa, phía sau được che đậy bằng hai tấm bạt rứa dài để cản gió. Ở giữa, sân trường nham nhở gạch cát.
Toàn bộ mặt sau các lớp học của dãy nhà hai tầng được che chắn bằng bạt rứa để học sinh đỡ lạnh. Ảnh: Thanh Tâm

Việc sửa chữa nằm trong dự án mở rộng và cải tạo trường THCS Thụy Phương với tổng chi phí hơn 24 tỷ đồng, bắt đầu từ tháng 9/2015. Các hạng mục chính gồm mở rộng trường học, xây mới dãy nhà 4 tầng, xây khu nhà thể chất, sửa hai dãy nhà 2 tầng cũ và sân trường. Theo kế hoạch, toàn bộ dự án được hoàn thành để bàn giao vào tháng 9/2016.

Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn ngổn ngang. Học sinh khối 8-9 được chuyển đến nhà 4 tầng mới xây, còn 8 lớp khối 6-7 phải học ở hai dãy nhà 2 tầng cũ không cửa. Những hôm gió mùa, bụi từ sân trường bay mù mịt, lùa cả vào lớp học. Giờ ra chơi, các em không có không gian hoạt động.

Anh Nguyễn Văn Duyên, phụ huynh có con học tại trường tỏ ra đau lòng khi giữa thủ đô, học sinh phải chịu cảnh học tập khó khăn. "Lớp học không có cửa sổ và cửa ra vào, thầy cô phải dùng bạt rứa bịt các cửa phía Bắc để che chắn cho đỡ rét. Nhưng làm vậy lại khiến các con phải học trong điều kiện bức bí, thiếu ánh sáng tự nhiên", anh Duyên nói.

Theo phụ huynh này, đại biểu HĐND phường Thụy Phương đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo phường, được hứa đôn đốc lát sân và lắp cửa cho các dãy lớp học trước Tết Nguyên đán 2017, nhưng đến nay mọi thứ không thay đổi. Việc thi công lại đang bị ngưng trệ.

lop hoc 1
Lớp học không cửa sổ và cửa ra vào. Ảnh: Thanh Tâm

Sáng 1/3, trao đổi với báo chí, ông Trí Anh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án quận Bắc Từ Liêm, khẳng định việc chậm tiến độ dự án do khách quan. "Chúng tôi gặp những yếu tố phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng, kéo theo hàng loạt chậm trễ. Việc lắp đặt cửa mới cho hai dãy nhà 2 tầng cũng là phát sinh", ông Trí Anh nói.

Theo Ban Quản lý dự án quận, quá trình giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công phát hiện 22 ngôi mộ vô chủ. Việc làm thủ tục và di dời các ngôi mộ mất nhiều thời gian. Mặt khác, do đặc thù cải tạo trường phải đảm bảo học sinh không bị gián đoạn việc học nên phải đợi đến khi dãy nhà 4 tầng xây xong, đơn vị thi công mới sửa hai dãy nhà 2 tầng còn lại.

Cuối năm 2016, nhà trường và đơn vị thi công kiểm tra, nhận thấy cửa gỗ cũ của 2 dãy nhà 2 tầng bị hỏng nhiều nên đề xuất lắp đặt cửa khung nhôm lõi thép mới. "Việc lắp cửa mới là phát sinh nên chúng tôi cần thuê đơn vị thiết kế, lập dự toán xem có vượt mức chi phí dự kiến ban đầu không. Khi có tính toán hợp lý, Ban quản lý dự án mới có thể đề xuất lên quận", ông Trí Anh giải thích.

lop hoc 2
Công trường xây dựng vẫn ngổn ngang mặc dù thời hạn bàn giao công trình đã nửa năm.

Phó giám đốc Ban Quản lý dự án quận Bắc Từ Liêm nhận định việc phụ huynh bức xúc là đúng và Ban Quản lý dự án có một phần trách nhiệm về sự chậm trễ. "Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công hoàn thành việc lắp đặt cửa các phòng học của dãy nhà 2 tầng và lát sân trường trong tháng 3. Các hạng mục khác như nhà thể chất sẽ được đẩy nhanh tiến độ", ông Trí Anh nói.

Tác giả bài viết: Thanh Tâm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP