Sài Gòn là vùng đất lạ kỳ, nơi đây hàng ngày chào đón biết bao người đến và đi, luôn năng động, nhiệt tình, chấp nhận những cái mới. Toa Tàu là một "Sài Gòn điển hình" như vậy.
Đây là lớp học nằm dưới chân cầu Sài Gòn, được lấy cảm hứng từ mô hình của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaky trong câu chuyện Nhật Bản nổi tiếng Totto Chan - Cô bé bên cửa sổ.
Đến Toa Tàu là hẹn với những giờ học có tên gọi thật giản dị như Vẽ kể chuyện, Viết để tự do, Tìm mình qua ảnh, hay Trải nghiệm âm nhạc cùng Ukulele...
Học viên ở Toa Tàu thỏa sức sáng tạo và tư duy theo cách riêng. Ảnh: NVCC.
Học viên được dạy cách cảm nhận vẻ đẹp của nghệ thuật và thế giới xung quanh, cũng như khám phá "đứa trẻ” có sẵn trong mỗi người qua sự sáng tạo trong ngôn ngữ nói, vẽ, viết, nhảy, đàn hay gấp giấy.
Đặc biệt, việc học tại đây không bị gắn với thành tích và quy định nào cả. Quan điểm của người dạy ở trường có các lớp nghệ thuật cho người lớn và trẻ em này là học để thỏa đam mê sáng tạo trong mỗi con người, thay vì để làm đúng theo quy tắc và khuôn phép định sẵn.
Những người 'dìu dắt' niềm vui
Toa Tàu được ba người trẻ là họa sĩ có nickname Bút Chì, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, biên tập viên Phương Huyên đặt những viên gạch đầu tiên.
Xuất phát từ ước muốn có nơi để trải nghiệm nhiều loại hình nghệ thuật, ba người trẻ quyết định nuôi ước mơ xây dựng mô hình ứng dụng nghệ thuật trong giáo dục.
Họa sĩ Bút chì chia sẻ: “Tôi quan niệm mỗi cá nhân đều có một đứa trẻ tự do trong người, khi lớn lên một tuổi, lại có thêm một chiếc lồng bao bọc đứa trẻ đó. Càng lớn dần, những chiếc lồng vô hình khiến người ta sợ hãi khi làm những điều từng khiến mình rất vui”.
Họa sĩ này dẫn câu chuyện em nhỏ trong lớp học Khám phá hình ảnh vẽ Mặt Trời có màu xanh, ba mẹ cho rằng điều này thật vô lý. Em nhỏ nhẹ nói rằng Mặt Trời màu xanh là phản chiếu màu sắc của biển cả. Thế đấy, ai nói người lớn luôn đúng, phải không?
Một workshop thường ngày tại Toa Tàu. Ảnh: NVCC.
Ở Toa Tàu không có thầy, cô, chỉ có những người truyền cảm hứng và những người lắng nghe niềm vui của người khác đến từ nhiều ngành nghề.
Những ngày đầu hoạt động, lớp học gặp không ít khó khăn khi vấp phải định kiến của xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh thường xuyên đánh đồng giáo dục phải có một kết quả nhất định. Việc Toa Tàu lựa chọn đi theo con đường mới và chưa nhiều người thật sự hiểu cũng là thử thách rất lớn.
“Khóa học Vẽ kể chuyện có học viên trên 70 tuổi tham gia. Việc bác vượt lên định kiến về tuổi tác, sự ngăn cản của con cái để đến với Toa Tàu khiến mình cảm động và hạnh phúc”, họa sĩ Bút Chì chia sẻ.
Có những ước mơ mang tên niềm vui
Bên cạnh khóa học, Toa Tàu còn thường xuyên tổ chức hoạt động cộng đồng như đem các workshop đến cho người khuyết tật, những buổi nhạc nhẹ, xem phim chia sẻ cùng nhau hay trò chuyện với "người truyền cảm hứng".
Như vậy mới thấy, nghệ thuật chẳng ở đâu cao siêu, nó ở trong việc mọi người cảm nhận hạnh phúc từ những điều giản dị, rồi lan tỏa niềm vui đó cho nhiều người hơn.
Toa Tàu hiện ấp ủ vẽ nên những giấc mơ lớn có thể đến được với nhiều người. Dự án nghệ thuật vì cộng đồng “Gieo” là một trong số đó.
Bắt đầu hơn 6 tháng trước, "Gieo" đã tổ chức hơn 10 sự kiện dành cho người khuyết tật, các anh chị công nhân hay trẻ em xóm ngụ cư.
"Gieo" trong vài năm tới sẽ còn đi xa hơn với ước mơ về một hành trình xuyên Việt, để đến gần hơn, để lắng nghe niềm vui từ nhiều nơi khác nhau hơn nữa.
“Toa Tàu trước nay chỉ nằm yên một chỗ, 'Gieo' sẽ là bước dịch chuyển đầu tiên của đoàn tàu”, Bút Chì kể về kế hoạch của mình.
Ở Toa Tàu, người ta dạy nhau cách để có niềm vui. Ảnh: NVCC.
Những người ở Toa Tàu không dạy học trò vẽ để trở thành họa sĩ, không dạy nhiếp ảnh để trở thành nhiếp ảnh gia, không dạy viết để trở thành nhà văn nổi tiếng. Thông qua nghệ thuật, họ giúp mỗi người biết cách sống vui, sống hạnh phúc.
Với Toa Tàu, hạnh phúc là được lắng nghe và chia sẻ những niềm vui trong sáng tạo, biết trân trọng phút giây hiện tại và được sống sao cho nụ cười luôn thường trực trên môi.
Lớp học đặc biệt mang tên Toa Tàu: Một hoạt động của Toa Tàu tổ chức cho các trẻ em lớp tình thương tại quận 4 (TP.HCM).
Tác giả bài viết: Hoàng Oanh, Ngân Giang - Video: Toa Tàu
Nguồn tin: