Nhân dân Quảng Bình luôn khắc ghi sự kiện đặc biệt, đó là vào 8 giờ 15 phút ngày 16/6/1957, máy bay mang số hiệu Li-203 chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn cán bộ Trung ương hạ cánh xuống sân bay Lộc Đại (nay là Cảng hàng không Đồng Hới). Cùng đi với Người có đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Hoàng Văn Diệm, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên khu 4 và một số cán bộ Trung ương.
Các đồng chí trong Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh, đại diện các ban, ngành, đoàn thể, các vị nhân sĩ, trí thức, tôn giáo tập trung đón Bác tại sân bay Đồng Hới. Các địa phương trong tỉnh và Đặc khu Vĩnh Linh cử đại diện về thị xã Đồng Hới dự mít tinh.
Ngay khi đặt chân đến Quảng Bình, Bác Hồ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và dành thời gian quý báu gặp gỡ, thăm hỏi đoàn đại biểu các dân tộc, nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, gặp mặt cán bộ cốt cán, nói chuyện với 3 vạn đồng bào tại sân vận động Đồng Hới, đi thăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325…
Do điều kiện và yêu cầu của cách mạng, vào 5 giờ sáng ngày 17/6/1957, Bác lên máy bay trở về Thủ đô Hà Nội. Dẫu thời gian vào thăm chưa nhiều, chưa đáp ứng được hết lòng mong mỏi, khát vọng của quân và dân Quảng Bình, nhưng với khoảnh khắc lịch sử ấy, với các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, hay nói chuyện với nhân dân, thăm các chiến sĩ lực lượng vũ trang…,
Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Quảng Bình những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng với tấm lòng yêu thương vô bờ bến và hơn hết là những chỉ dẫn ân cần thể hiện rõ những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược, kịp thời, lâu dài, sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Bình.
Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Định tặng giấy khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác tuyên giáo năm 2021. |
Trong buổi gặp mặt này, Bác đã chỉ ra cho đồng bào Quảng Bình-Vĩnh Linh nhiệm vụ chiến lược quan trọng: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú ở đây đều có ý nghĩa nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết...”.
Bác ân cần căn dặn: “Đối với Quảng Bình, nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Hơn nữa, Quảng Bình còn có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có. Xưa nay Quảng Bình nghèo khổ là vì đế quốc, phong kiến bóc lột kìm kẹp, vì chiến tranh tàn phá. Ngày nay, chúng ta đã có hòa bình để xây dựng xã hội; nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động của mình thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng lên mà còn đóng góp một phần quan trọng cho Nhà nước”.
Trong phiên làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bác dành thời gian hỏi cặn kẽ về công tác xây dựng Đảng, số lượng đảng viên, tình hình đoàn kết trong Đảng. Bác nhấn mạnh: “Đảng làm cách mạng không có mục đích nào khác hơn là đưa lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”. Người căn dặn: “Đảng phải biết quan tâm đầy đủ đến đời sống quần chúng, nên chú ý đến cuộc sống của đồng bào miền núi. Cần phải về cơ sở luôn, có đi nhiều mới nắm được tình hình để giải quyết, không đi không biết tình hình mà giải quyết đâu”.
Nói chuyện với đại biểu cốt cán toàn tỉnh Quảng Bình và Đặc khu Vĩnh Linh, Bác đánh giá cao những đóng góp của nhân dân hai địa phương trong sự nghiệp cách mạng cả nước. Người khen ngợi: “Trong kháng chiến, cán bộ trong và ngoài Đảng có tinh thần chịu đựng gian khổ, anh dũng đấu tranh bảo vệ làng, bảo vệ dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Đó là những ưu điểm đáng khen. Từ ngày hòa bình lập lại, đảng viên và đoàn viên ra sức lãnh đạo nông dân sản xuất. Đó là việc tốt. Trong lúc phát hiện sai lầm cải cách ruộng đất, cán bộ, đảng viên đều lo lắng, đều ra sức tận tụy sửa sai, riêng thanh niên đã có thành tích trồng cây, khôi phục đất hoang để tăng gia sản xuất. Đó là ưu điểm đáng khen”.
Ghi nhận, biểu dương những thành tích mà Quảng Bình đã đạt được, đồng thời Bác cũng nhắc nhở, phòng ngừa những căn bệnh có hại cho Đảng dễ xẩy ra, như: “Óc suy bì tị nạnh kèn cựa đãi ngộ”, “cứ ngồi lo tiền đồ”, “óc công thần” tự cao tự đại, “tự do cá nhân, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật”, “lãng phí của công”, “không thích học tập”, “kém đoàn kết”…
Những lời căn dặn và dạy bảo của Người là nền tảng mang tính chiến lược lâu dài, là phương châm hành động, tạo nên ý chí quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương trên con đường đổi mới.
Ngay sau ngày Bác Hồ về thăm, tỉnh Quảng Bình đã ra nghị quyết phát động toàn dân đẩy mạnh các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực, kiên quyết khắc phục khuyết điểm, phát huy các ưu điểm, quyết tâm thực hiện tốt những lời Bác dạy.
Nhân dân Quảng Bình hăng hái thi đua, lao động sản xuất, trong đó có Hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thủy) vinh dự được Bác Hồ 2 lần viết bài ca ngợi đăng trên Báo Nhân Dân. Người viết báo nêu gương, cổ vũ Đại Phong và kêu gọi các tỉnh miền Bắc thi đua “Học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt Đại Phong”.
Ngày 20/5/1968, Hợp tác xã Đại Phong được Bác gửi tặng chiếc máy cày ĐT54. Đại Phong trở thành lá cờ đầu trong phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, đi vào lịch sử như một “hiện tượng” trong nông nghiệp, thổi bùng lên một luồng gió mới trong lao động sản xuất ở miền Bắc XHCN. Đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình, "Gió Đại Phong" mãi là niềm tự hào, cổ vũ, động viên tinh thần hăng hái thi đua lao động sản xuất xây dựng và bảo vệ quê hương qua các chặng đường lịch sử.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình luôn chắc tay cày, vững tay súng, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tất cả vì miền Nam thân yêu. Hàng trăm máy bay, tàu chiến của Mỹ lần lượt bị quân, dân Quảng Bình bắn hạ và nhiều lần được Bác Hồ gửi thư khen. Đặc biệt, ngày 17/7/1965, Bác Hồ đã gửi thư khen quân và dân Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của đế quốc Mỹ và thu hoạch một vụ chiêm bội thu: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay giặc Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt. Như vậy tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”.
Một vinh dự nữa lại đến với quân và dân tỉnh Quảng Bình là vào ngày 29/8/1965, Hồ Chủ tịch ra Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho quân và dân Quảng Bình. Chiến công nối tiếp chiến công, Quảng Bình càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng lớn và càng trưởng thành. Sự quan tâm của Bác, những lá thư khen và tình cảm của Bác chính là sức mạnh cổ vũ quân và dân Quảng Bình vượt qua muôn ngàn gian khổ, góp sức vào cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Quảng Bình hôm nay đã mang một vóc dáng mới, sức sống mãnh liệt được thắp lên từ quá khứ kiên cường, lời căn dặn khi Người vào thăm Quảng Bình năm 1957 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong chặng đường qua, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình luôn nỗ lực, phấn đấu và đã làm nên nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng-an ninh…
Đặc biệt, sau 33 năm tái lập tỉnh và hơn 35 năm đổi mới, Quảng Bình đã khắc phục được tình trạng trì trệ, đưa nền kinh tế từng bước thoát khỏi khủng hoảng, phát triển và đi vào thế ổn định, tốc độ tăng trưởng GRDP khá, quy mô nền kinh tế không ngừng được nâng lên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
Các chương trình trọng điểm được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII thông qua và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cụ thể hóa triển khai đang đi vào cuộc sống. Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Đời sống vật chất, văn hóa-tinh thần của nhân dân được cải thiện.
Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc. Bộ mặt của tỉnh từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến bản, làng miền núi đang khởi sắc từng ngày.
Tròn 65 năm kể từ ngày Quảng Bình đón Bác về thăm, những hình ảnh, dấu ấn, tình cảm và lời dặn dò của Người vẫn luôn in đậm trong trái tim và tâm hồn của người dân. Quảng Bình hôm nay đang không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, tiếp bước những chặng đường lịch sử vẻ vang và hào hùng của bao thế hệ cha ông đi trước, phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, anh dũng, kiên cường, bồi đắp thành sức mạnh tổng hợp phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Những tình cảm và những lời căn dặn quý báu của Người đã được cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Bình luôn khắc ghi, trở thành kim chỉ nam, nguồn động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của mình, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà thành tỉnh giàu mạnh như Bác Hồ hằng mong muốn.
Tác giả: Cao Văn Định
(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Nguồn tin: Báo Quảng Bình