Kinh tế

'Loạn' bánh trung thu nhập ngoại: Coi chừng tiền mất tật mang

Tết Trung thu đang cận kề, thời điểm này thị trường bánh trung thu đang vô cùng sôi động. Bên cạnh những thương hiệu nổi tiếng, trên thị trường còn xuất hiện nhiều loại bánh ngoại nhập, giá rẻ được rao bán tràn lan. Điều này dấy lên sự lo ngại về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chỉ cần một click chuột trên mạng xã hội là hàng loạt các trang rao bán bánh trung thu mini giá rẻ xuất hiện như: bánh trung thu mini lục sắc, bánh trung thu mini hình thú, bánh trung thu mini Trung Quốc... Đáng nói, những loại bánh này được bán với mức giá siêu rẻ, gây sốt trên thị trường trong dịp Tết Trung thu hàng năm.

Với số lượng mỗi thùng gần 100 chiếc, tính ra mỗi chiếc bánh Trung thu mini này khi đến tay người mua chỉ có giá chưa đến 4.000 đồng. Trên sản phẩm không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt cũng như đơn vị nhập khẩu, hồ sơ công bố chất lượng theo quy định. Hạn sử dụng của bánh khoảng 6 tháng. Bánh có nhiều hương vị khác nhau, gồm vị cam, dứa, thập cẩm, hạt dẻ, đậu xanh, khoai môn, hoa hồng…

Theo chị Hồng Anh, một người bán bánh trung thu mini trên mạng xã hội, đây là bánh nội địa của Đài Loan (Trung Quốc). Ưu điểm của loại bánh này là nhiều vị, người dùng có thể thay đổi khẩu vị hoặc lựa chọn hương vị mà mình yêu thích. Cùng với đó, vỏ bánh mềm, thơm, ngon, vị nhân trái cây bên trong ngọt và thanh dễ “mê hoặc” người dùng.

Tuy nhiên, theo quan sát, những chiếc bánh này đều được đóng gói sơ sài, trên bao bì in hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc, không có nhãn mác tiếng Việt. Giá rẻ nhưng chất lượng có đảm bảo quy định an toàn thực phẩm hay không đang là điều mà người tiêu dùng lo ngại.

Bánh trung thu có giá siêu rẻ được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.

Chị Nguyễn Thanh Hương (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, từ đầu tháng 7 âm lịch, trên thị trường và trên mạng xã hội tràn ngập bánh trung thu. Với những lời quảng cáo, rao bán hấp dẫn và mức giá rẻ “giật mình” nhưng lại không có nguồn gốc xuất xứ nên chị rất ái ngại về chất lượng sản phẩm.

“Mua bánh trung thu về nhưng lại không biết nguồn gốc ở đâu, sản xuất ở đâu, đơn vị nào sản xuất. Khi ăn, nhỡ có vấn đề gì thì biết phản ánh, khiếu nại ở đâu. Do đó, chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của những loại bánh này khiến tôi thực sự ái ngại. Bánh nhỏ, đẹp, giá rẻ, hình thức bắt mắt nhưng tôi vẫn không dám mua về ăn”, chị Hương cho hay.

Kinh doanh bánh trung thu giá rẻ, bất chấp luật pháp

Vì lợi nhuận và đánh vào thị hiếu ưa hàng giá rẻ của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam, nhiều đối tượng đã bất chấp luật pháp để đưa hàng giá rẻ, hàng trôi nổi, không nguồn gốc từ nước ngoài về bán.

Là một trong những địa bàn “nóng” của cả nước, thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội liên tiếp phát hiện và thu giữ hàng chục nghìn chiếc bánh trung thu nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cụ thể, ngày 24/8 vừa qua, Đội QLTT số 13, TP. Hà Nội đã phối hợp với Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP kiểm tra điểm tập kết hàng là bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất tại ngõ 89 Lạc Long Quân (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện hơn 4.700 chiếc bánh trung thu các loại không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Trước đó, ngày 15/8, Đội Quản lý thị trường số 24 bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải tại địa chỉ số nhà 46, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức đang bày bán 10.800 chiếc bánh Trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, đựng trong các thùng carton.

Những chiếc bánh trung thu giá rẻ chỉ có chữ nước ngoài mà không có thông tin xuất xứ sản phẩm.

Không chỉ ở Hà Nội, ngày 18/8, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với Đội quản lý thị trường Hà Nam phát hiện và thu giữ hơn 1.000 chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ của lô hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng trên và khai nhận, đã mua số bánh trên qua mạng xã hội với giá 3.000 đồng/chiếc để bán kiếm lời.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những loại bánh trôi nổi, giá rẻ nhưng lại không có tem nhãn, nhà sản xuất nên sẽ đem đến nguy cơ cao cho người sử dụng nếu ăn phải bánh sử dụng chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm.

Bác sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa tư vấn dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, trong bối cảnh nhiều loại bánh trung thu đang được bán tràn lan trên thị trường hiện nay, để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên chọn mua bánh ở những cơ sở có uy tín, có thương hiệu, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi thị trường bánh đang “loạn” về chất lượng nên cần hết sức cẩn trọng khi mua về sử dụng, nhất là với những loại bánh làm từ nguyên liệu giá rẻ, không rõ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng…

“Thực tế, có quá nhiều loại bánh nên rất khó kiểm soát được nguồn gốc bánh, thực phẩm làm bánh, do đó, nên cân nhắc để lựa chọn bánh và thực phẩm an toàn, đồng thời sử dụng với số lượng hợp lý để vừa đón được Tết Trung thu theo đúng nghĩa mà vẫn không ảnh hưởng đến tình trạng tăng cân hoặc rối loạn đường huyết ở những bệnh nhân đang điều trị”, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho hay.

Để có một mùa Trung thu an toàn, cần siết chặt công tác quản lý thị trường nhằm sớm ngăn ngừa nguy cơ hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giá rẻ, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Hãy là “người tiêu dùng thông thái”, tuyệt đối không mua, không sử dụng sản phẩm không nhãn mác và thông báo tới các cơ quan chức năng khi phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn thực phẩm để xử lý theo quy định của pháp luật./.

Tác giả: Chung Thủy

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP