Cụ thể, trình dự luật trước UB Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, một số sửa đổi đáng chú ý là dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 5 tỷ đồng trở lên. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng. Đồng thời, bổ sung quy định phân cấp cho Cục trưởng Cục thuế và Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 1 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề điều tra thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày, theo quy định pháp luật hiện hành, cơ quan hải quan có chức năng điều tra và khởi tố vụ án, tuy nhiên đối với cơ quan thuế thì không có chức năng này. Qua rà soát các văn bản pháp luật, Chính phủ thấy rằng các văn bản pháp luật (Luật tố tụng hình sự) không quy định cơ quan thuế có chức năng điều tra, khởi tố vụ án.
Trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến về dự án luật cho thấy còn có ý kiến khác nhau về chức năng điều tra thuế.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, theo Luật Quản lý thuế hiện hành, cơ quan quản lý thuế thực hiện quản lý thuế theo chức năng, trong đó có chức năng thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra, kiểm tra cơ quan quản lý thuế đã xác định số thu về thuế phải nộp cho nhà nước, phát hiện các trường hợp vi phạm, đồng thời đã chuyển nhiều hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an để điều tra và xử lý. Vì vậy, cơ chế này là phù hợp trong tình hình bối cảnh hiện nay, không nhất thiết bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế.
Loại ý kiến thứ 2 cho rằng, để tăng cường thẩm quyền cho cơ quan thuế thực thi công tác quản lý thuế có hiệu quả, mặt khác để giảm áp lực hình sự hoá các hoạt động kinh tế, theo kinh nghiệm quốc tế, đề nghị cần bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế tương tự như cơ quan hải quan.
Dự thảo luật được Chính phủ thiết kế theo loại ý kiến thứ nhất. Bộ trưởng Tài chính cho biết, trường hợp Quốc hội quyết định bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế, Chính phủ sẽ bổ sung 1 chương riêng để quy định nội dung này.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận |
Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải khái quát, đa số ý kiến trong thường trực UB đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo, đánh giá, làm rõ tình trạng số nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi lớn, nhưng không thực hiện biện pháp xóa nợ theo các quy định của pháp luật và đề xuất cơ chế để cụ thể hóa ngay trong dự thảo Luật sửa đổi lần này.
Ông Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, do Chính phủ đang trình theo phương án chưa đưa chức năng điều tra thuế cho cơ quan quản lý thuế trong dự thảo luật nên đa số ý kiến trong thường trực UB đề nghị không tiến hành thẩm tra nội dung này.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để tăng cường thâm quyền cho cơ quan thuế thực thi công tác quản lý thuế có hiệu quả, mặt khác để giảm áp lực hình sự hoá các hoạt động kinh tế, theo kinh nghiệm quốc tế và đảm bảo tương đồng với cơ quan hải quan.
Cơ quan thẩm tra đề nghị UB Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, bổ sung 1 chương riêng quy định về nội dung này để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2018.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét, năm 2006 (tức là từ 12 năm trước) đã xảy ra tranh cãi đến mức có người gần như bị sốc về việc có hay không có cơ quan điều tra thuế. Lúc đó Bộ Tài chính có ý kiến tương tự loại ý kiến thứ hai tại tờ trình của Chính phủ (cần bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế tương tự như cơ quan hải quan - PV) nhưng UB Pháp luật không đồng ý. Tranh cãi hơn chục năm giờ vấn đề lại được đưa lại.
Bà Nga lập luận, nói có cơ quan điều tra thuế để tránh hình sự hoá các quan hệ trong lĩnh vực này thì không đúng mà đây chính là một biểu hiện hình sự hoá bởi chức năng như cơ quan hải quan là có quyền khởi tố khám xét điều tra ban đầu.
Chủ nhiệm UB Tư pháp nhấn mạnh, khởi tố, điều tra, khám xét là hoạt động đụng đến quyền con người quyền công dân rất lớn, Quốc hội đã lựa chọn rất kỹ khi để chỉ một số cơ quan được làm.
“Chúng tôi cho rằng không nên có, không nên đặt lại vấn đề cơ quan điều tra thuế. Không thể nhà nhà làm điều tra, người người làm điều tra, động chạm rất lớn đến quyền con người, quyền công dân” - bà Nga nêu quan điểm.
Chung quan điểm này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định bày tỏ, nếu dự thảo luật đã không có quy định về cơ quan điều tra thuế thì tờ trình cũng không nên bày tỏ hy vọng sẽ có cơ quan này.
Ông Định cũng quan tâm đến vấn đề mới là bỏ thẩm quyền xoá nợ thuế của Thủ tướng và tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Theo ông Định, đây là nội dung mới nhưng mà báo cáo đánh giá tác động không tính cụ thể 1 năm xoá nợ khoảng bao nhiêu, hệ quả thế nào, có thể dẫn tới nguy cơ lạm dụng.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí