Giáo dục

Lo “giành giật” thí sinh

Số thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ năm nay giảm 1/3 so với năm ngoái khiến nhiều trường sẽ rơi vào tình trạng khốn khó

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga cho biết kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ có khoảng 880.000 thí sinh (TS) tham gia, giảm 12% so với năm 2015.

Giảm nhờ phân luồng tốt hơn

Đáng chú ý, số TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, không xét tuyển ĐH-CĐ lên đến 32%. Ông Ga nhận định điều này cho thấy ý thức học sinh đã tốt hơn, các em không chọn học ĐH là con đường duy nhất như nhiều năm trước. Nhiều TS đã xác định tốt nghiệp THPT xong có thể đi học nghề, chọn một công việc thiết thực còn hơn cầm tấm bằng ĐH nhưng thất nghiệp.

Tại Hà Nội, số TS chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, không thi ĐH là 16.390 em, con số này năm 2015 là 11.000 em. Nghệ An có 12.744 TS đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm hơn 44%, tăng mạnh so với năm 2015. Trong đó, các trung tâm giáo dục thường xuyên và một số trường tỉ lệ học sinh chỉ xét tốt nghiệp lên tới 90 - 100%.

lo gianh giat thi sinh
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016Ảnh: BẢO LÂM

Nhận định về xu hướng này, PGS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng đó là dấu hiệu đáng mừng. Thực tế nhiều năm gần đây, sau khi tốt nghiệp THPT, hầu hết học sinh đều đua nhau vào ĐH, trong khi giáo dục nghề nghiệp lại ít được quan tâm. Theo ông Dong, công tác phân luồng, hướng nghiệp của các trường đã có hiệu quả, học sinh suy nghĩ thực tế hơn.

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định những đánh giá về bằng cấp đã dần thay đổi theo thời gian. PGS Trần Xuân Nhĩ cũng đề xuất Bộ GD-ĐT cần cải thiện việc phân luồng học sinh để số thí sinh tốt nghiệp THPT vào ĐH, CĐ chỉ khoảng 40%-50%; còn lại theo trung học nghề để có những công nhân lành nghề cho đất nước.

Phải tìm cách tồn tại

Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh TS xét tuyển ĐH, CĐ cũng khiến nhiều trường lo lắng vì không tuyển được TS, đồng nghĩa các trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sự tồn tại.

Hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập của Hà Nội cho rằng mùa tuyển sinh năm nay thực sự là một mùa tuyển sinh gian nan để có thể tuyển đủ thí TS. “Những năm trước, các trường ngoài công lập lao đao trong việc tuyển sinh. Trường công lập lấy điểm xét tuyển tới tận sàn khiến TS dồn hết vào đó mà bỏ qua chúng tôi. Năm nay, nguồn tuyển giảm sút tới gần 1/3 thì “cuộc chiến” giành giật TS thật sự rất khốc liệt” - vị hiệu trưởng này nói.

Lãnh đạo một trường CĐ cũng cho biết 3 năm nay, lượng TS xét tuyển vào trường giảm mạnh. Cán bộ của trường phải đi khắp các tỉnh miền núi để tìm kiếm TS, mở lớp đào tạo và nếu tiếp tục tình trạng này, trường sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Một chuyên gia tuyển sinh cũng nhận định trước mắt, các trường ngoài công lập, các trường tốp dưới là một mùa tuyển sinh không hề dễ dàng. Điều này dự kiến sẽ dẫn đến việc các trường chia làm hai nhóm, một nhóm vì quyết sinh tử nên sẽ tuyển vượt chỉ tiêu và chấp nhận bị phạt chỉ tiêu vào mùa sau; một nhóm chỉ biết “sống mòn” chờ đợi TS.

GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho rằng xu hướng tất yếu của các trường nhiều năm không tuyển đủ người học sẽ là sang nhượng trường hoặc là sáp nhập trường. Đây là điều không tránh khỏi trong quá trình hoạt động để tồn tại của các trường.

“Không thể ép TS học trường các em không muốn, không có thương hiệu và không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Đứng trước thách thức thì người ta sẽ phải tìm cách để tồn tại, tôi nghĩ đây là một xu hướng lành mạnh” - hiệu trưởng một trường ĐH tại Hà Nội nói.

Vị này cũng cho rằng tương lai của các trường sẽ do thị trường đánh giá, nếu đào tạo tốt, chất lượng nguồn nhân lực được xã hội chấp nhận thì sẽ tồn tại và ngược lại. Đây chính là thời điểm mà các nhà đầu tư phải thay đổi để nâng cao chất lượng thay vì chỉ nghĩ đến thu lợi nhuận mà không muốn đầu tư…

Tác giả bài viết: Yến Anh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP