Phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 14/4 về vấn đề Syria. Ảnh: AP. |
Tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria ngày 14/4, Nga, Trung Quốc và Bolivia bỏ phiếu thuận, song 8 thành viên khác đã bỏ phiếu chống và 4 thành viên bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết từ phía Nga, trong đó lên án cuộc không kích nhằm vào Syria do liên quân Mỹ - Anh - Pháp thực hiện, theo New York Times.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, kêu gọi các quốc gia "kiềm chế" để tránh tình hình "vượt khỏi tầm kiểm soát". Ông lên án việc sử dụng vũ khí hóa học và bày tỏ thất vọng vì Hội đồng Bảo an đã không thể giải quyết cuộc xung đột Syria mà theo cách ông gọi là "mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế" của thời đại.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily A. Nebenzia cho rằng ba cường quốc phương Tây đã "tấn công một quốc gia có chủ quyền đang trên chiến tuyến chống lại chủ nghĩa khủng bố" mà không có bằng chứng họ sử dụng vũ khí hóa học. "Mỹ và các đồng minh tiếp tục cho thấy sự coi thường đối với luật pháp quốc tế", ông Nebenzia nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Nga, các cường quốc phương Tây đáng nhẽ không nên hành động cho đến khi các điều tra viên thuộc Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) xác định được liệu vũ khí hóa học có thực sự được sử dụng trong vụ tấn công hồi cuối tuần trước ở Douma, Đông Ghouta, Syria, hay không.
Tuy nhiên, bà Nikki R. Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, lại khẳng định sự can thiệp của Washington là "hợp lý, hợp pháp và cân đối". Haley đồng thời thêm rằng Tổng thống Donald Trump đã trao đổi với bà về việc Mỹ sẵn sàng tấn công lần nữa nếu chính phủ Syria vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học bị cấm. "Khi Tổng thống của chúng tôi vạch ra 'lằn ranh đỏ', ngài sẽ khiến nó có hiệu lực", bà quả quyết.
Đại sứ Anh Karen Pierce gọi cuộc tấn công ngày 14/4 là "có giới hạn, trúng mục tiêu và hiệu quả", được thực hiện sau khi tình báo Anh phát hiện bằng chứng các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công hóa học ở Douma, cáo buộc mà Syria kiên quyết phủ nhận.
Đại sứ Bolivia Sacha Llorenty không đồng tình với cuộc tấn công nhằm vào Syria, phản bác rằng: "Bạn không thể chống lại sự vi phạm luật quốc tế khi chính bạn cũng vi phạm luật pháp quốc tế".
Tác giả: Huyền Lê
Nguồn tin: Báo VnExpress