Tin địa phương

Lao động Quảng Bình bỏ trốn khi đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc

Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc không thực hiện theo hợp đồng làm việc, tự ý bỏ trốn để làm việc tự do đang kéo theo nhiều hệ lụy xấu, phá vỡ chủ trương nhân văn.

Vào tháng 4 năm nay, 41 lao động tại tỉnh Quảng Bình được tuyển chọn đi làm việc tại Hàn Quốc với thời hạn 5 tháng, nhưng khi sang đến nơi thì có 34 lao động đã bỏ trốn. Vụ việc này gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín trong hợp tác quốc tế với Hàn Quốc.

Mới đây, anh Ngô Đình Quang, 37 tuổi, ở phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đáp chuyến bay về nước, kết thúc 5 tháng đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc theo hợp đồng xuất khẩu lao động. Anh Quang là 1 trong 41 lao động tại Quảng Bình sang làm việc tại thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc đợt 1 năm 2022 theo thỏa thuận đã ký kết, thời gian về nước của người lao động là ngày 15/9/2022.

Phỏng vấn tuyển chọn người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc đợt 2.

Mặc dù có nhiều người rủ rê bỏ trốn ra ngoài làm việc và ở lại bất hợp pháp nhưng anh Ngô Đình Quang vẫn kiên quyết thực hiện theo đúng hợp đồng lao động thời vụ 5 tháng. Anh Ngô Đình Quang kể, khi biết tin nhiều người trốn anh cũng rất hoang mang nhưng sau đó đã xác định khi kết thúc hợp đồng lao động là phải trở về quê nhà.

“Ngay từ đầu tôi đã xác định qua đó làm việc xong rồi về, không bỏ trốn. Cũng có nhiều lời mời bỏ ra ngoài làm việc nhưng mình đã xác định sang đó làm là để trở về. Người lao động khi bỏ trốn ra ngoài, người chủ cũng không tin tưởng lao động người Việt nữa. Người Việt trốn nhiều quá bên kia cũng không cấp visa nên việc qua lại giữa hai nước sẽ khó khăn, ảnh hưởng đến lao động Việt Nam trong các đợt tuyển dụng sau này”, anh Quang cho biết.

Trong số 41 lao động tại tỉnh Quảng Bình sang làm việc tại Hàn Quốc đợt 1 năm 2022 có 34 lao động đã bỏ trốn khi đặt chân đến Hàn Quốc, không làm theo thỏa thuận và hợp đồng lao động. Sau sự việc này, các cơ quan chức năng phía Hàn Quốc đã từ chối cấp thị thực cho người lao động đi Hàn Quốc đợt 2.

Trong đợt 2 này, tỉnh Quảng Bình có 55 lao động được tuyển chọn đi Hàn Quốc làm việc. Nhiều người ở các huyện miền núi, hoàn cảnh khó khăn phải vay mượn tiền của anh em, họ hàng để đóng ký quỹ, học phí, làm thủ tục và thuê chỗ ăn ở suốt gần 1 tháng tại thành phố Đồng Hới để chờ ngày lên đường. Thế nhưng, gần đến ngày đi thì họ không được cấp thị thực.

Bà Lê Thị Hòa ở phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình bức xúc, tỉnh đã tạo điều kiện cho các lao động sang Hàn Quốc làm việc để có cơ hội thoát nghèo, nhưng nhiều người đã bỏ trốn làm ảnh hưởng đến nhiều lao động khác.

“Khi lao động bỏ trốn sẽ khiến thế hệ xuất khẩu lao động sau này không đi được, sẽ oán trách người trốn mà người ta không cho đi xuất khẩu lao động. Việc này ảnh hưởng đến cả địa phương, trong đó có cả bản thân gia đình các lao động bỏ trốn”, bà Hòa cho biết.

Để hỗ trợ 55 người lao động đợt 2 bị phía Hàn Quốc ngừng cấp thị thực, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Bình đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với cơ sở đào tạo và các đơn vị có liên quan hỗ trợ lại một khoản kinh phí cho người lao động. Những người này sẽ được ưu tiên giới thiệu việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình khác phù hợp nếu họ có nhu cầu. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ thêm một phần kinh phí cho người lao động đợt 2 năm 2022 không thể xuất cảnh được, từ nguồn ký quỹ của những người lao động đợt 1 năm 2022 đã vi phạm hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi làm việc.

Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi có các trường hợp người lao động bỏ trốn, Sở đã làm việc với các địa phương. “Nguyên nhân bỏ trốn là vì lợi ích cá nhân, khi người lao động sang Hàn Quốc gặp những người làm sản xuất, chế tạo, những người quen và trong số đó có nhiều người cũng lao động bất hợp pháp lôi kéo. Những lao động bất hợp pháp khi xảy ra mất tích, tai nạn lao động sẽ không được sự hỗ trợ từ phía Việt Nam”, bà Lan cho biết.

Cơ quan chức năng Hàn Quốc đã từ chối cấp thị thực cho người lao động ở tỉnh Quảng Bình đi Hàn Quốc đợt 2.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, chủ trương đưa lao động nghèo, ưu tiên con em gia đình chính sách đi xuất khẩu lao động là rất nhân văn, tạo cơ hội thoát nghèo cho nhiều gia đình, nhưng để xảy ra việc người lao động bỏ trốn vừa qua đã làm ảnh hưởng tới lợi ích chung. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành và địa phương có người đi xuất khẩu lao động tiếp tục rà soát, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động trong các đợt tiếp theo.

“Chủ trương xuất khẩu lao động để tạo công ăn việc làm có thu nhập nhưng phải đảm bảo an ninh. Mặc dù tỉnh làm điểm chủ trương này, được các cơ quan trung ương đồng tình nhưng hiệu quả xuất khẩu lao động vẫn chưa được như mong muốn, có khả năng ảnh hưởng đến uy tín và việc xuất khẩu lao động của tỉnh. Đề nghị Công an tỉnh tham gia cùng Sở Lao động Thương binh và Xã hội để có đánh giá kỹ lưỡng việc xuất khẩu lao động sắp tới”, ông Thắng nói./.

Tác giả: Thanh Hiếu

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP