Tin địa phương

"Làng Seoul" ở Nhân Trạch

Từng là dải cát trắng quanh năm hiu quạnh không một bóng người nhưng chỉ hơn chục năm, một số thôn của xã ven biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã trở thành "đô thị" với nhà lầu mọc lên san sát

Đến Nhân Trạch vào những ngày đầu đông trong tiết trời se lạnh, chúng tôi vẫn cảm thấy ấm lòng bởi sự đổi thay quá nhanh của một xã nghèo ven biển. Trước mắt chúng tôi là hàng trăm ngôi nhà khang trang với kiến trúc hiện đại nằm san sát nhau, tựa như một khu đô thị đang phát triển và được quy hoạch bài bản. Đó là "làng Seoul".

Đổi đời nhờ xuất ngoại

Cái tên "làng Seoul" là do người dân ở đây đặt cho một cụm dân cư của thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch.

Vùng đất cát cằn cỗi ngày nào giờ mọc lên những ngôi nhà khang trang, hiện đại

Người dân cho biết chủ nhân những ngôi nhà 2-3 tầng khang trang ở đây hầu hết đều đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc. Sau vài năm làm ăn ở xứ người, họ gửi tiền hoặc quay về mua đất, xây nhà, tạo ra một bộ mặt mới cho làng quê nghèo trên cát.

"Giá đất ở đây vì thế mà tăng lên chóng mặt, hiện mỗi lô từ 700 triệu đến 1,1 tỉ đồng. Đa số đất chưa xây dựng đã có chủ mua và họ sắp xây nhà. Vài năm nữa thôi, ở đây nhà cửa kín hết, sẽ là một đô thị ven biển cực đẹp" - một người ở thôn Nhân Quang hào hứng.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1998.Khi đó, khu vực trung tâm xã đã kín nhà dân mà vùng đất này vẫn hoang vắng. Chính quyền xã đã cho làm đường sá, phân lô cấp đất rồi vận động những gia đình trẻ ra Nhân Quang, Nhân Tiến lập nghiệp.

Anh Dương Quang Cường là người đầu tiên ra đây nên chứng kiến toàn bộ sự đổi thay của vùng đất mới này. Anh cho biết chính quyền xã đã tạo điều kiện tối đa cho những hộ ra đây sinh sống. Khi thấy cuộc sống khó khăn với nghề biển bấp bênh và nguy hiểm, chính quyền xã lại kêu gọi người dân đăng ký đi XKLĐ. Thế là hàng trăm người đăng ký đi, chủ yếu sang Hàn Quốc.

"Hồi đó đi Hàn Quốc khá dễ dàng chứ không khó như giờ. Tui cũng đi 5 năm về xây dựng được căn nhà 2 tầng khang trang. Chính quyền xã Nhân Trạch đã tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người dân có nhu cầu xuất ngoại làm việc. Sau khi họ về, xã vẫn quan tâm tạo điều kiện để làm ăn, phát triển kinh tế. Có người vẫn làm bên đó gửi tiền về cho cha mẹ, anh em bên này làm ăn; có người về tự mở cơ sở kinh doanh buôn bán; có người lấy vốn đi nơi khác làm ăn..., tất cả đều khấm khá" - anh Cường cho biết.

Sát cánh cùng người nghèo

Ông Lê Văn Trúc - 60 tuổi, ở thôn 1 - cho biết trước đây, người dân Nhân Trạch sống bằng nghề biển. Cuộc sống khó khăn, nghèo khổ, nhiều gia đình có 3-4 người bám biển vẫn không đủ ăn, nói gì đến chuyện xây nhà cao cửa rộng.

"Ban đầu ít người đi XKLĐ. Sau đó, thấy nhiều người trở về làm ăn được, kinh tế khá giả, xây nhà cao tầng..., lớp trẻ đã đua nhau đi XKLĐ. Bây giờ xã biển phần lớn là người già, trẻ em, phụ nữ có gia đình, còn thanh niên chủ yếu đi nước ngoài hết" - ông Trúc nêu thực trạng.

Theo ông Phạm Văn Khiển, Trưởng thôn Nhân Quang, cả thôn có gần 260 hộ với hơn 1.100 nhân khẩu nhưng có đến gần 200 người đi XKLĐ ở nước ngoài, chủ yếu sang Hàn Quốc. "Những người đi XKLĐ chính là nguồn lực làm thay đổi bộ mặt ở thôn quê. Nhiều gia đình vẫn tiếp tục lựa chọn XKLĐ như một cách làm giàu chính đáng. Cuộc sống ở đây cũng thay đổi nhiều. Do sinh sống, làm việc nhiều năm ở nước ngoài nên nhiều người cũng học hỏi phong cách sống tiến bộ. Cách họ nuôi dạy con cái cũng tiến bộ, trẻ được chăm sóc, học hành đầy đủ. Người dân ở đây sống khá sung túc, vật dụng trong nhà hiện đại không khác ở thành thị" - ông Khiển khoe.

Hiện nay, không chỉ người dân Nhân Quang mà rất nhiều người dân ở các thôn khác cũng tìm đến đây mua đất, làm nhà. "Làng Seoul" đang tiếp tục mọc lên những căn nhà mới, khang trang. Nhờ vậy, bộ mặt của một vùng quê nghèo ven biển đang dần đổi thay từng ngày.

Ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, cho biết từ khi quy định đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực, bám sát chỉ đạo của huyện, xã đã xây dựng đề án XKLĐ, thành lập ban chỉ đạo XKLĐ cấp xã. Ban chỉ đạo này đã kịp thời nắm bắt các văn bản của Chính phủ, bộ, ngành liên quan để quản lý, chỉ đạo công tác XKLĐ trên địa bàn. Ban đã chủ động giao dịch và liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, đơn vị XKLĐ có uy tín tại tỉnh Quảng Bình để kịp thời thông báo cho người dân.

Ban Chỉ đạo XKLĐ xã Nhân Trạch còn phối hợp với các ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho hàng ngàn lao động được vay vốn, thành lập nguồn quỹ tín dụng nhân dân của địa phương để phục vụ hoạt động XKLĐ. Tính đến nay, quỹ đã có trên 300 tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn không chỉ của người dân trong xã mà còn cả các địa phương lân cận. Mỗi năm, xã có khoảng 120-150 người đi XKLĐ. Thị trường XKLĐ mở rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó tập trung đông nhất vẫn là các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Nga.

"Đi nước ngoài làm ăn với thu nhập bình quân 25-40 triệu đồng/người/tháng, có thể khẳng định XKLĐ đã và đang làm thay đổi toàn bộ diện mạo địa phương. Những ngôi nhà từ mái tranh vách nứa nay trở nên khang trang và kiên cố, đường sá được đầu tư xây dựng sạch đẹp" - ông Nghị cho biết.

Tác giả: GIANG NAM

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP