Theo báo cáo Ðịnh hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa trình Chính phủ mới đây, tổng vốn nước ngoài Việt Nam ký kết vay giai đoạn 2016 -2017 hơn 9,198 tỉ USD, trong đó vốn ODA 6,78 tỉ USD. Bộ KH-ĐT đánh giá vốn ODA giúp Việt Nam tiếp cận nguồn kỹ thuật, tri thức và là chất xúc tác huy động nguồn vốn khác, đặc biệt nguồn vốn trong nước.
Không hề rẻ
Thực tế được các chuyên gia chỉ ra là vốn ODA không rẻ như nhiều người nghĩ, bởi hàng loạt chi phí ngoài lãi, đẩy lãi vay thật sự phải trả cao hơn gấp nhiều lần.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) kéo dài thời gian thi công 10 năm, đội vốn từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG |
Theo phân tích của chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, lãi vay ODA hiện từ 1%-2%/năm. Nếu cộng thêm các khoản ngoài lãi như tư vấn, dàn xếp vốn, chi phí đội vốn vật tư nhà thầu… thì tổng chi phí vay ODA không hề rẻ hơn các khoản vay thương mại hiện có với lãi suất khoảng 7%/năm. Thậm chí, chi phí vay ODA thực tế ở một số dự án phải trả có thể lên đến 10%/năm.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cũng nhận xét các khoản vay ODA có lãi suất thấp của các nhà tài trợ song phương thường đi kèm với những điều kiện ràng buộc về mặt chính sách, giới hạn về lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp thiết bị, gián tiếp dẫn đến chi phí vốn thực tế cao hơn dự toán ban đầu. Thậm chí, ở một số trường hợp, quá trình đàm phán, tiếng nói của người thụ hưởng không cao, điều kiện nhà tài trợ đặt ra không có lợi cho phía Việt Nam. Song, trong quá trình đàm phán không phát hiện ra để đấu tranh, dẫn đến khi thực hiện gặp nhiều vướng mắc, bất lợi, quyền lợi của nước tiếp nhận dự án ODA chưa được thỏa đáng.
Cùng chung nhận định vốn ODA thật ra không "ngon, bổ, rẻ" như lầm tưởng của nhiều người, chuyên gia kinh tế - TS Võ Đại Lược nhấn mạnh: "Nguyên tắc là không ai cho không ai cái gì và với nguyên tắc đó, các nước viện trợ ODA cho Việt Nam chắc chắn duy trì lợi ích về mặt kinh tế hoặc chính trị. Ngoài việc hợp đồng kèm theo điều kiện để doanh nghiệp thuộc nước cho vay thực hiện các công trình vốn ODA thì lương chuyên gia nước ngoài ở các dự án đó cũng rất cao, có thể đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng".
Thực tế, ngay cả Nhật Bản - quốc gia ưu ái vốn ODA cho Việt Nam nhất - cũng ngày càng cấp vốn "đắt" và điều kiện khắt khe. Báo cáo mới nhất hồi cuối tháng 7-2018 của Bộ Tài chính về việc thẩm định các dự án vay Nhật Bản tài khóa 2018 nêu rõ từ ngày 1-10-2017, lãi suất vay thông thường của nước này cho Việt Nam tăng từ 1,2%/năm lên 1,5%/năm, lãi suất ưu đãi áp dụng đối với khoản vay trong một số lĩnh vực tăng từ 0,3%/năm lên 1%/năm. Cùng với đó, phía Nhật yêu cầu mức lương để lập dự toán các dự án vay vốn tài khóa 2018 là khoảng 30.000 USD/tháng/người, chưa kể các khoản phụ cấp. Mức này cao hơn 20%-25% so với mức lương tư vấn nước ngoài bình quân trong các dự án vay vốn ODA.
"Viết hay miễn vay được tiền"
Trong khi đồng vốn ODA ngày càng đắt đỏ, áp lực trả nợ dồn từ năm này qua năm khác thì các nơi được phân bổ vốn lại chưa thực sự "nâng niu", dẫn đến nhiều hậu quả. Có hàng loạt dự án là dẫn chứng cho việc quản lý vốn ODA kém. Chẳng hạn, dự án metro ở TP HCM vay của chính phủ Đức 137 triệu euro, tổng số phí cam kết phải trả đến hết năm 2016 là 1,358 triệu euro nhưng vẫn chưa giải ngân được. Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) kéo dài thời gian thi công 10 năm, 4 lần xin lùi tiến độ và đội vốn từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD. Hay như tỉnh Quảng Trị với dự án quản lý thiên tai có kế hoạch bố trí 13,6 tỉ đồng nhưng giải ngân đến 113,096 tỉ đồng, gấp hơn 8 lần số vốn đã bố trí…
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, nhiều dự án sử dụng vốn ODA không thực hiện theo đúng quy trình của một dự án đầu tư công hoặc dù đúng quy trình nhưng không được thẩm định, thực thi một cách đầy đủ theo Luật Đầu tư công. Chẳng hạn, một dự án đầu tư công phải thẩm định được hiệu quả kinh tế - xã hội nhưng thực tế quy trình thẩm định lại bị xem nhẹ, thậm chí làm cho dự án không hiệu quả thành hiệu quả để thông qua!
"Không ít bộ, ngành, địa phương đến nay vẫn xem ODA là "của trời cho", "của chung", mà không nhìn nhận rằng bản chất đây là khoản vay phải trả trong khoảng 20-30 năm sau. Có lãnh đạo địa phương ngồi 1-2 nhiệm kỳ vẫn chưa hình dung được áp lực, trách nhiệm phải trả nợ khoản vay ODA, không có ràng buộc trách nhiệm nên tư duy nhiệm kỳ vẫn còn" - ông Tuấn nói thêm.
Cũng theo vị chuyên gia này, năng lực quản lý vốn ODA vẫn còn yếu ở cả cấp trung ương và địa phương trong mọi quy trình, nhất là yếu kém của các địa phương trong việc đánh giá hiệu quả sau dự án ODA. "Khi nghiên cứu về dự án đầu tư công ở các địa phương, hỏi tiêu chí đánh giá dự án thì cán bộ cấp sở, ngành cảm thấy rất xa lạ. Việc đánh giá dự án cần nhìn vào yếu tố tạo ra bao nhiêu việc làm, lao động, thu nhập tăng thêm của người dân so với trước khi có dự án… chứ không chỉ đánh giá chung là dự án rất hiệu quả" - ông Tuấn phân tích.
Một thực tế khác, theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, phần không nhỏ nguồn vốn ODA được vay cho các mục đích bù đắp cân đối ngân sách (chi thường xuyên) và vay để trả nợ cũ (đảo nợ)… "Vốn ODA chỉ nên vay khi hiệu quả sử dụng đồng vốn cao hơn chi phí nhưng không ít khoản vay lại không đem lại hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, suy nghĩ vay ODA hiện tại chưa phải trả nên các bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục sử dụng dòng vốn này dù nợ công đã ở mức cao và mỗi người dân sẽ phải gồng gánh trả nợ trong tương lai" - ông Trinh nêu thực tế.
Ông Nguyễn Đức Hải chỉ ra thêm hầu hết địa phương còn thiếu chủ động và tính toán kỹ trong việc chuẩn bị dự án kéo theo có dự án chuẩn bị và thực hiện mất vài năm, dẫn đến không còn tính cấp thiết và làm cho thiết kế ban đầu trở nên không phù hợp. Địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi nên viết dự án để báo cáo rất hay để miễn là vay được tiền, không chú trọng đến hiệu quả thiết thực.
"Xí phần" rồi để đó! Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nêu tình trạng dù phía cấp vốn ODA nói đã chuyển tiền cho Bộ Tài chính nhưng ngân sách không giải ngân kịp vì phải chờ đưa vào ngân sách năm sau hoặc xin ý kiến Thủ tướng phê duyệt. Trong khi đó, lại có hiện tượng một số địa phương chưa có nhu cầu vốn cấp bách bằng địa phương khác nhưng lại "xí phần" vốn ODA; giải phóng mặt bằng chưa xong cũng đề nghị trung ương phân bổ vốn rồi… để đó! |
Tác giả: Thái Phương - Phương Nhung
Nguồn tin: Báo Người lao động