►Vợ đột quỵ, ngân hàng không cho chồng rút tiền tiết kiệm
Dưới đây là những chia sẻ của Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM liên quan đến vấn đề này.
Để tránh rơi vào trường hợp như ông Minh, vợ chồng khi gửi tiết kiệm nên thực hiện một trong hai cách sau để phòng ngừa rủi ro nếu người gửi tiền rơi vào trường hợp mất năng lực hành vi dân sự như trên.
Chọn gửi tiền theo hình thức đồng sở hữu hoặc uỷ quyền để tránh rơi vào trường hợp như vợ ông Minh.
Cách một: Chọn hình thức gửi tiết kiệm đồng sở hữu.
Đây là cách gửi tiết kiệm có từ hai cá nhân trở lên cùng đứng tên trên sổ tiết kiệm tiền gửi. Theo đó, khi gửi tiền, ngoài các thủ tục như quy định, người gửi tiền phải có văn bản thỏa thuận giữa các đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm về việc quản lý và sử dụng tiền gửi tiết kiệm; nội dung của văn bản thỏa thuận giữa các đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm phải có các yếu tố cơ bản như họ tên, địa chỉ, số, ngày, nơi cấp CMND hoặc hộ chiếu của từng thành viên đồng chủ sở hữu; số tiền thuộc sở hữu của mỗi người, điều cam kết chung và chữ ký của từng thành viên đồng chủ sở hữu.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều có hình thức này. Tuy nhiên, khách hàng cần xem rõ quy định của từng ngân hàng khi tiến hành mở tiết kiệm theo hình thức trên.
Cách hai: Thực hiện uỷ quyền cho người khác trong việc rút tiền gửi tại ngân hàng.
Sau khi gửi tiền, khách hàng cần làm luôn “giấy uỷ quyền giao dịch tiết kiệm” cho chồng, vợ hoặc con cái.
Trên giấy uỷ quyền có các nội dung chính như thông tin chủ sở hữu tài khoản, thông tin người được uỷ quyền, nội dung uỷ quyền (ví dụ như rút lãi định kỳ, rút một phần vốn gốc, rút toàn bộ vốn gốc…), thời hạn uỷ quyền.
Nếu văn bản này được lập tại ngân hàng và có sự chứng kiến của người có thẩm quyền trong ngân hàng thì tờ giấy này không cần phải đi công chứng tại UBND phường hoặc tại phòng công chứng. Tuy nhiên, người gửi tiền phải đọc thật kỹ về các quy định uỷ quyền trong mẫu giấy này để nắm thật rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong văn bản ấy.
Trường hợp nếu chưa thực hiện hai cách trên mà vợ - người đứng tên chủ sở hữu sổ tiết kiệm bị mất năng lực hành vi dân sự thì người chồng hãy thực hiện theo các bước sau.
Chồng làm đơn yêu cầu đến Toà án để ra quyết định tuyên bố người vợ bị mất năng lực hành vi dân sự. Sau khi có quyết định của Toà án và người chồng hội đủ điều kiện quy định thì sẽ là giám hộ đương nhiên của vợ.
Sau đó, người chồng đem các hoá đơn viện phí và các hoá đơn khác có liên quan đến việc chữa bệnh cho người vợ đến ngân hàng để yêu cầu nhà băng thực hiện việc rút tiền từ tài khoản của vợ cho người chồng nhằm thực hiện việc chữa bệnh cho người vợ, mà không cần phải thông qua người giám sát của người giám hộ theo quy định tại Khoản 2 Điều 69 về Quản lý tài sản của người được giám hộ trong Bộ luật dân sự 2005.
Trong trường hợp ngân hàng yêu cầu người chồng phải có người giám sát của người giám hộ thì người chồng cần chứng minh là số tiền rút ra không phải là số tiền lớn theo quy định của Khoản 2 Điều 69 Bộ luật dân sự 2005. Nếu chứng minh được số tiền rút ra để chữa bệnh cho người vợ là số tiền nhỏ thì thủ tục rút tiền sẽ không cần người giám sát của người giám hộ, mà chỉ cần có quyết định tuyên bố của Toà về việc mất năng lực hành vi dân sự của người vợ và các giấy tờ chứng minh việc sử dụng tiền vào mục đích chữa bệnh cho người vợ.
Trong trường hợp ngân hàng nơi người vợ gửi tiền không thực hiện theo yêu cầu của người chồng khi người này đã đủ các điều kiện trên, thì người chồng có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp hoặc gửi đơn kiện lên toà án có thẩm quyền để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định tại chương 23 và 24 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thời hạn giải quyết của Toà để ra tuyên bố về việc người vợ mất năng lực hành vi dân sự là khoảng 1-2 tháng nếu người chồng cung cấp đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định của pháp luật.
Tác giả bài viết: Hoài Thu