Kinh tế

Lãi suất cho vay liệu có tăng khi lãi suất huy động tăng mạnh cuối năm?

Đà tăng lãi suất của các ngân hàng đã có từ tháng 10 vừa qua, nhưng gần đến cuối năm mức tăng càng cao. Hiện lãi suất huy động của một số ngân hàng cao nhất là 8,8%/năm, gây nhiều áp lực lên lãi suất cho vay.

“Kẻ thẳng” ở nhiều kỳ hạn

lãi suất

Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động vào thời điểm cuối năm.

Thông thường, lãi suất huy động tăng áp dụng cho nhiều mức ở nhiều kỳ hạn. Tuy nhiên, mới đây, ngân hàng VPBank công bố biểu lãi suất huy động VND “kẻ thẳng” ở các kỳ hạn thuộc diện áp trần trong một sản phẩm huy động. Tùy theo mức tiền gửi, ngân hàng này áp các mức từ 8,3% và cao nhất đã lên tới 8,6%/năm ở các kỳ hạn từ 13, 24 và 36 tháng.

Trước đó, trong quý 3 vừa qua, thị trường đã xuất hiện những mức lãi suất huy động cao từ 8,4 - 8,5%/năm, nhưng ở nhóm thành viên có quy mô nhỏ, đang hoặc vừa thực hiện tái cơ cấu. Chẳng hạn như ngân hàng Cimbank, VietCapital Bank, VIB, Nam Á Bank, TPBank, OCB… áp dụng lãi suất huy động khá cao, từ 7,6 – 8,6%/năm nhưng tùy mức tiền gửi và tùy kỳ hạn.

Tuy nhiên, ngân hàng Cimbank và VietCapital Bank không giới hạn mức tiền gửi và chỉ cần 6 tháng đến 18 tháng là được mức lãi suất cao nhất. Đáng chú ý hơn, VPBank còn “kẻ thẳng” mức lãi suất huy động 5,5%/năm cho tất cả các kỳ hạn từ 1 - 5 tháng, không còn phân biệt giữa các kỳ hạn ở khúc này. Và đây cũng là mức kịch trần cho phép, vùng kỳ hạn thuộc diện điều chỉnh của cơ chế trần lãi suất huy động đang áp dụng.

Bên cạnh việc trực tiếp tăng lãi suất trên biểu lãi suất huy động, các ngân hàng còn thi nhau áp dụng các chương trình cộng lãi suất, tặng quà, khuyến mãi… để hút thêm tiền gửi từ dân cư.

Trong báo cáo mới đây, công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, áp lực lên lãi suất vẫn còn kéo dài trong thời gian tới, mức lãi suất cao sẽ còn duy trì quanh mức hiện tại đến cuối Tết âm lịch. Nguyên nhân là gần đến giờ “G” các ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% vào đầu năm 2019 theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN, đồng thời nhu cầu tín dụng lớn cuối năm cũng tạo sức ép đẩy lãi suất tăng cao.

Áp lực lãi suất cho vay

Hiện tại, diễn biến trên thị trường liên ngân hàng cho thấy, lãi suất các kỳ hạn tăng mạnh và tạo mặt bằng mới quanh ngưỡng 5%.

Hai thước đo chính mà các chuyên gia kinh tế đề cập gồm lãi suất vay qua đêm và lãi suất kỳ hạn 3 tháng của tiền đồng liên tục tăng kể từ quý 2 và đang ở mức tương ứng là 4,6% và 5,2%. Lãi suất vay qua đêm USD đang ở quanh mức 2,3%/năm. Đáng chú ý, giá trị giao dịch bình quân tăng mạnh và tiệm cận mức đỉnh năm 2012. Tất cả những điều này đều cho thấy, sức ép rất lớn thị trường liên ngân hàng.

Cũng theo VDSC, trên thị trường trái phiếu thứ cấp đang có hai yếu tố đáng chú ý: lợi tức trái phiếu các kỳ hạn gần như đi ngang trong các tuần qua và đường cong lợi tức trái phiếu đang phẳng dần. Trong khi đó, nhu cầu tiền ngắn hạn rất lớn nên Ngân hàng nhà nước (NHNN) buộc phải tiếp tục sử dụng triệt để công cụ thị trường mở và bơm tiền ra ngoài hệ thống ngân hàng.

Mặt khác, NHNN cũng dừng phát hành tín phiếu để hút tiền về. Tuy nhiên, hoạt động bơm tiền này vẫn chưa đủ để hạ nhiệt thị trường và đó chính là lý do, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng lãi suất huy động.

Với chi phí đầu vào tăng, nhiều người lo ngại chi phí đầu ra cũng tăng theo, đặc biệt là các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn theo lãi suất linh hoạt, bởi trung bình 3 tháng, lãi suất sẽ bị điều chỉnh một lần. Theo đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bánh kẹo Tết cho hay, công ty này đang sử dụng khoảng 70% vốn vay nên rất lo lãi suất trong thời gian tới sẽ bị điều chỉnh tăng. Hiện lãi suất công ty trên vay tại ngân hàng khoảng 8-9%/năm cho vốn ngắn hạn.

Với lãi suất cho vay tiêu dùng dài hạn, mức áp dụng của các ngân hàng từ 17,2% trở lên. Đây thực sự là gánh nặng cho người vay bởi lãi suất ngân hàng cứ tăng cao dần và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Lãi suất cho vay sẽ ổn định đến năm 2019

lãi suất

Các chuyên gia kinh tế cho rằng lãi suất sẽ ổn định đến năm 2019.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế LS.TS Bùi Quang Tín, các doanh nghiệp không nên quá lo lắng chuyện lãi suất cho vay sẽ tăng, bởi ngay từ đầu năm, NHNN đã xem việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay là một nhiệm vụ trọng tâm. Mặt khác, lãi suất cho vay tăng còn phụ thuộc vào 3 biến số.

Thứ nhất, lãi suất huy động tăng nhưng nếu chi phí hoạt động ngân hàng giảm, nợ xấu giải quyết tốt thì lãi suất cho vay chưa chắc tăng.

Thứ 2, lãi suất tăng hay giảm còn phụ thuộc vào đối tượng khách hàng có lịch sử kinh doanh, trả nợ tốt hay xấu. Chắc chắn, ngân hàng sẽ giữ nguyên lãi suất thấp cho khách hàng tiềm năng, thậm chí giảm thêm nếu doanh nghiệp thực sự kinh doanh tốt và trả nợ tốt.

Thứ 3, lãi suất tăng còn phụ thuộc vào xu hướng thị trường. Thông thường, lãi suất chỉ tăng cao vào quý 4 và quý 1, khi nhu cầu vay tăng mạnh vào cuối năm và dịp Tết, còn quý 2 và 3 lãi suất sẽ giảm dần. Theo đó, LS.TS Tín khuyến cáo doanh nghiệp muốn vay lãi suất thấp nên làm việc với ngân hàng vay theo hạn mức vào quý 2 và 3 để quý 4 có thể giải ngân với mức lãi suất tốt nhất.

Ngoài ra, LS.TS Tín cũng cho biết, chắc chắn Chính phủ và NHNN sẽ có những giải pháp để kìm hãm sự biến động lãi suất, nên năm 2019 lãi suất sẽ không thay đổi nhiều và giữ ổn định. Dự báo lãi suất tín dụng năm 2019 là từ 17 – 19%/năm và năm 2018 sẽ không vượt quá 17%.

Tác giả: Hải Yên

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP