Cuộc sống

Ký ức đẫm nước mắt của cô gái có bố "nát rượu": Bị bố cầm dao dọa chém, đêm trốn đi ngủ nhà hoang

Có một cô gái mới đây thôi, chua chát kể về người cha nát rượu trong tuổi thơ của mình, đã không ít lần đánh mẹ, thậm chí là cầm dao đuổi mình, chỉ vì… không chịu đổi gạo lấy rượu cho ông uống.

Người ta hay nói công cha như núi Thái Sơn để vinh danh công lao và ơn nghĩa sinh thành của người đàn ông trụ cột trong gia đình, cùng với mẹ nuôi chúng ta khôn lớn thành tài. Chính vì lẽ đó, mà ai ai trong chúng ta cũng rất biết ơn những người cha của chính mình, một kiểu tình yêu gia đình đầy lòng tôn kính. Vậy mà cũng có những người cha xuất hiện trong ký ức của con như là ác mộng. Một cô gái đã có những chia sẻ chua chát kể về người cha nát rượu trong tuổi thơ của mình, đã không ít lần đánh mẹ, thậm chí là rượt dao đuổi mình, chỉ vì… không chịu đổi gạo lấy rượu cho ông uống.

Cô gái nói, bố mình đã mất cách đây khá lâu rồi, nhưng những đêm gần đây cô lại mơ thấy ông, trong giấc mơ ông cũng cầm dao đuổi đánh khiến cô sợ hãi đến mất ngủ.

"Các bạn có ai muốn nghe tuổi thơ "tươi đẹp" của mình không nhỉ? Tự dưng hôm nay mình muốn viết ra các bạn ạ. Viết ra những suy nghĩ giấu kín trong lòng, dù 24 năm nay mình chưa tâm sự với ai. Mình biết mỗi người 1 hoàn cảnh, nên mình vẫn còn sướng hơn nhiều đứa. Vậy mà nghĩ về cái "sướng" đó, mình lại sợ…

Nhà mình có 2 anh em và 2 chị là con của mẹ trước (mẹ trước chết xong bố mình lấy mẹ mình đẻ ra 2 anh em mình). Các bạn có bố nghiện rượu như mình không? Nhà mình nghèo nhất làng, có bao nhiêu tiền để dành mua rượu cho bố mình hết. Mình đã cạn hết nước mắt vì tuổi thơ của mình rồi. Ngày nào mình cũng khóc và khóc, mình không biết làm gì để thay đổi cuộc sống. Phải nói lúc đó mình bị stress nặng. Lúc bé, ngày nào cũng nghĩ đến tự tử các bạn ạ. Giờ khôn hơn tí rồi.

"Lúc bé, ngày nào cũng nghĩ đến tự tử các bạn ạ". (Ảnh minh họa)

Các bạn có hình dung ngồi học mà nghe bố chửi mẹ, bật vô tuyến to đùng không cho 2 anh em bọn mình học. Mình vừa khóc những vẫn phải học, học vì mình căm ghét, ghét bố mình, ghét ông trời sao lại sinh mình ra 1 cái gia đình như thế. Học cũng là một cách để mình thoát khỏi cái gia đình này.

Mẹ mình thì thôi rồi, ngày nào cũng nghe chửi , bị đánh vì không có tiền đưa cho ông ý uống rượu, rồi mình phải mang gạo đi đổi thành rượu cho bố uống. Nhắc lại mà nước mắt mình không kìm được. Anh em mình lúc đó bé không làm được gì, rồi anh mình cũng thi đỗ đại học, cũng thoát khỏi, còn một mình mình ở nhà thôi.

Cơm thì không có ăn, ngày nào cũng mang gạo đi đổi lấy rượu uống. Cũng may 2 chị đi làm thỉnh thoảng cho 2 anh em mình mấy đồng đóng học, và nhà mình bán ruộng rồi vay ngân hàng nên mới được đi học. Chắc không có đứa con gái nào như mình đâu nhỉ? Bố mình bắt đi mua rượu mình cãi lại, vậy nên suốt ngày mình phải trèo nên cây trứng gà, rồi ngủ ở cái nhà hoang (bên cạnh nhà mình), ngày nào không bị bố mình cầm dao đuổi là mình thấy thiếu các bạn ạ. Rồi có ngủ được đâu, khóc cả đêm thôi, nghĩ cái cuộc đời mình sao lại có người bố như thế chứ.

"Bố mình bắt đi mua rượu mình cãi lại, vậy nên suốt ngày mình phải trèo nên cây trứng gà, rồi ngủ ở cái nhà hoang". (Ảnh minh họa)

Chú bác thì giàu đấy, nhưng thân ai người ấy lo, không cho nhà mình vay 1 đồng để đi học, khinh bỉ nhà mình nên mình căm lắm. Sợ cho nhà mình vay không trả được. Rồi năm mình đại học năm 3 bố mình mất vì bị ung thư các bạn ạ. Nhà mình đỡ khổ từ đấy. Mình hỏi mẹ mình tại sao không bỏ bố, mẹ mình bảo 4 đứa con bé tí bỏ thì 2 chị kia sẽ thế nào, (mặc dù 2 chị không phải con mẹ mình), phụ nữ Việt Nam là vậy, cam chịu người đàn ông.

Bây giờ mình đi làm rồi, mọi người công ty lúc nào cũng thấy mình cười, tưởng mình vui sướng, nhưng không ai biết mình nghĩ gì. Bây giờ nhiều đêm ngủ mình lại mơ thấy bố mình cầm dao đuổi mình. Ám ảnh lắm. Nhiều lúc nhìn lại thấy cái tuổi thơ khốn khổ này, không muốn kể cho ai nghe. Nhưng hôm nay cảm ơn các bạn đã đọc hết câu chuyện".

"Bây giờ nhiều đêm ngủ mình lại mơ thấy bố mình cầm dao đuổi mình. Ám ảnh lắm". (Ảnh minh họa)

Vậy đó, đúng như nhiều người bảo, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Không phải cái gia đình nào cũng giống gia đình nào, có gia đình giàu thì sẽ có gia đình nghèo, có gia đình hạnh phúc thì tất nhiên cũng có gia đình khổ đau. Và gia đình của cô gái trên là một gia đình khổ đau như thế. Còn gì ám ảnh hơn một tuổi thơ cơ cực, thiếu ăn, thiếu mặc mà từng lon gạo phải mang đi đổi rượu cho bố uống, nếu không đổi thì bị đánh, nếu không đổi thì bị bố cầm dao rượt đến nỗi không dám về nhà…

Vậy là cái "công cha như núi Thái Sơn" có còn đúng với trường hợp này hay không? Ơn sinh thành thì có, nhưng cái nghĩa thì chắc có lẽ đã theo từng lon gạo đem đi đổi rượu hết rồi. Từng lon, từng lon một vơi dần đến cạn kiệt.

Câu chuyện được đăng tải trong một hội nhóm trên mạng xã hội không bao lâu thì thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Đa số tất cả đều tỏ ra đồng cảm và xót thương cho tuổi thơ của cô gái mà đồng lòng lên tiếng động viên cô hãy quên nó đi, người mất thì cũng đã mất rồi, dù sao đó cũng là máu mủ. Hãy nhìn về tương lai mà sống để còn bù đắp cho mẹ.

Bạn Nguyễn Hồng Thái có đôi lời chia sẻ như sau: "Sống tiếp đi bạn, thời gian sẽ khiến những cơn ác mộng ít đi, nói vậy thôi chứ giờ mình ngủ cũng hay ác mộng về ngày xưa lắm, hy vọng vài năm nữa là hết! Mình tệ cả bố lẫn mẹ cơ".

Và cũng không ít người chia sẻ về bố mình, về hoàn cảnh tương tự như trên, cũng đau thương như thế, cô bạn Ly Ly chia sẻ: "Tớ đang chịu đựng cảnh như bạn đây, ngoài xã hội đã mệt mỏi lắm rồi chỉ muốn 1 ngày về nhà có cảm giác bình yên mà cũng không được, có lẽ nó quá xa xỉ đối với nhà tớ. Đúng là tự hỏi không hiểu tại sao sinh ra trong gia đình như thế, tại sao suốt ngày đánh chửi nhau không li dị nhau? Thiết nghĩ bị trầm cảm không phải do áp lực xã hội, mà chính do cái gọi là gia đình...".

Những bình luận của cư dân mạng san sẻ và động viên cô gái. (Ảnh: Facebook)

Nhưng trong số những bình luận đồng cảm và khuyên nhủ cô gái nên sống tốt hơn, cũng có không ít bình luận bảo rằng quả thật bố của cô gái đã rất sai khi không làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha. Nhưng mà dù sao bố vẫn là bố, dù có sai thế nào ông cũng có công ơn sinh ra mình vì thế việc ông qua đời lâu rồi mà con gái còn đăng đàn kể lể thế này thì thật không chút nào hay.

Đáp lại những lời này, cô gái giãi bày: "Mình chỉ san sẻ những thứ ám ảnh tuổi thơ mình cho đến tận bây giờ cho các bạn biết, mình không hề có ý bêu xấu bố mình. Ngày ông mất mình đã khóc rất nhiều, mình cũng yêu ông nhưng yêu theo một cách sợ hãi, vì vậy mình muốn vượt qua nỗi sợ hãi đó bằng cách yêu thương chân thành sau khi trút bỏ những tâm sự bấy lâu nay".

"Mình muốn vượt qua nỗi sợ hãi đó bằng cách yêu thương chân thành sau khi trút bỏ những tâm sự bấy lâu nay". (Ảnh minh họa)

Vậy đó, có những thứ ám ảnh thì luôn là ám ảnh dù đó là vấn đề gì đi chăng nữa và con người không phải ai cũng có thể gặm nhấm nỗi ám ảnh một mình, vì vậy có thể việc chia sẻ câu chuyện về ông bố "sâu rượu" lên mạng xã hội của cô gái kia có lẽ là một cách để cô nàng đặt dấu chấm hết cho những nỗi trăn trở ám ảnh trong lòng mà sống một cuộc đời tốt hơn.

Đừng chỉ trích, đừng giận dữ vì mỗi con người, mỗi hoàn cảnh sẽ có cách hành xử khác nhau, đằng này cô gái ấy còn trẻ và chỉ kể sự thật về quá khứ của chính mình. Hãy đặt mình vào trường hợp của cô ấy mà thấy rằng vượt qua và tha thứ là hai khái niệm song song nhau, cô ấy đang vượt qua bằng cách tha thứ!

Tác giả: Min

Nguồn tin: thoidai.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP