Giáo dục

Kỹ sư Việt ở Bloomberg: "Hãy để người trẻ chinh chiến"

Từng sinh sống và học tập ở Việt Nam, Ukraine, Singapore và hiện đang làm việc cho Bloomberg London, anh Lê Quốc Việt (sinh năm 1985) đã có những chia sẻ thú vị về chủ đề công dân toàn cầu, thu hút nhân tài của Việt Nam.

Anh Lê Quốc Việt (sinh năm 1985) hiện đang là kỹ sư phần mềm cao cấp của Bloomberg London. Ảnh chụp trong buổi lễ truyền thông Ivana Kupala của người Ukraine. Ảnh: NVCC

Sang Ukraine sinh sống từ năm 7 tuổi, sau đó lại quay về Việt nam năm 12 tuổi, học đến năm thứ 2 đại học, anh Việt sang học tập và làm việc ở Singapore 8 năm (5 năm học đại học và 3 năm đi làm). Hiện anh đã làm việc ở Bloomberg London được 3 năm ở vị trí kỹ sư phần mềm cao cấp (senior software engineer).

Năm 2005, anh nhận được học bổng danh giá của Chính phủ Singapore do Bộ Ngoại giao Singapore trao và đỡ đầu (Singapore Cooperation Programme, MFA Scholarship).

Sau khi tốt nghiệp ĐH Quốc gia Singapore, anh làm việc 3 năm ở Credit Suisse Singapore – ngân hàng đầu tư thuộc nhóm đầu thế giới, lớn thứ 2 Thụy Sĩ.

Thời gian cuối ở Sing, anh được một số “ông lớn” công nghệ như Facebook, Google, Amazon, Paypal săn đón và mời phỏng vấn ở London, Hồng Kông, Mỹ.

“Mình có chọn Bloomberg London sau khi nói chuyện với họ và sau đó nhận được offer (đề nghị) của công ty trong vòng 3 tuần từ khi headhunter (công ty săn đầu người) liên lạc”.

Anh chia sẻ, khi nói về Bloomberg, mọi người hay nghĩ đó là hãng truyền thông, nhưng thực tế đây là một hãng công nghệ trong lĩnh vực thông tin tài chính.

“Khi phỏng vấn đồng thời với Bloomberg, Google và Amazon thì mình rất ấn tượng với tốc độ làm việc của Bloomberg: Luôn nhanh, chính xác và hiệu quả cao. Khi vào làm Bloomberg, mình mới thấy họ rất coi trọng DX (Developer Experience - trải nghiệm lập trình viên)”.

“Bloomberg cũng rất coi trọng tối ưu hoá việc phát triển và triển khai phần mềm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính để nhân viên và khách hàng luôn hài lòng với tốc độ, tính chính xác, và tính minh bạch. Văn hoá doanh nghiệp như vậy không dễ có được ở các công ty lớn và nhỏ.

Ngoài ra hàng năm các nhân viên đều được học hoặc huấn luyện 80-120 giờ cho công việc. Ít công ty nào sẵn sàng cho nhân viên 10-15 ngày mỗi năm để học và nâng cao tay nghề như vậy”- kỹ sư phần mềm 31 tuổi chia sẻ về lý do anh ấn tượng với Bloomberg”.

Sống nhiều nơi là liều thuốc giết định kiến

Anh Việt trong buổi vận động tranh cử vào IEEE ở ĐH Quốc gia Singapore. Ảnh: NVCC

Được trải nghiêm 3 nền giáo dục khác nhau, anh cho rằng cả ba đều có những thế mạnh riêng.

“Thế mạnh của giáo dục Singapore là hiện đại và được trang bị vật chất đầy đủ. Các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, giảng đường luôn được trang bị những thiết bị tối tân. Việc học những ngành kỹ thuật và thực nghiệm ở Singapore thực sự là điều may mắn.

Ukraine tuy cơ sở vật chất khiêm tốn hơn nhưng lại rất mạnh về khoa học tự nhiên và còn lại truyền thống giáo dục khoa học kỹ thuật từ thời Xô-Viết.

Mình nhớ hơn 20 năm trước, khi còn học cấp 2 ở Ukraine thì họ đã có những câu lạc bộ điện tử và nghệ thuật gần như miễn phí cho tất cả thanh thiếu niên bản địa và nước ngoài.

Mình rất thích đến CLB điện tử, tự hàn, lắp ráp đồ chơi điện tử”- anh nhớ lại.

Còn khi về Việt Nam năm 12 tuổi, anh biết đến “Tiên học lễ, hậu học văn”. “Ngoài ra mình cũng thấy môn văn có chỗ đứng rất quan trọng trong giáo dục Việt Nam. Có điều mình ngạc nhiên là ở Việt Nam có rất nhiều sách giải bài tập, đặc biệt là sách giải bài tập văn.

Ngoài ra, ở Việt Nam còn có nhiều môn học thuộc và có lẽ tốt cho những bạn nào muốn rèn luyện trí nhớ.

Một điều hay trong giáo dục Việt Nam là các thầy cô rất gần với học trò và khi may mắn gặp thầy cô tốt thì luôn được đối xử như là các con vậy. Có lẽ đó là đặc điểm thú vị trong văn hoá của Việt Nam”.



Ảnh chụp trong lễ tốt nghiệp cùng bạn học người Ấn Độ. Ảnh: NVCC

Được sống và làm việc ở nhiều nơi, với anh, là một cơ hội lớn để làm giàu vốn sống, làm phong phú nhân sinh quan, thế giới quan của mình.

“Một vấn đề có nhiều cách nhìn nhận và được giải quyết bằng nhiều cách khác nhau. Quả cam có thể bổ dọc theo kiểu Việt Nam hoặc bổ ngang như kiểu người Singapore hay Nhật. Người Việt Nam gọt quay dao ra ngoài. Người Nga và Ukraine gọt lưỡi dao quay vào bên trong”.

“Việc sống ở nhiều nơi cũng như có được liều thuốc giết định kiến vậy. Ở Việt Nam và Singapore người ta sợ nghĩa trang nhưng ở Vương quốc Anh hay Ukraine người ta có công viên ở nghĩa trang và anh có thể ăn trưa cùng đồng nghiệp ở đó. Phụ nữ Việt Nam vất vả vì trách nhiệm với hai họ, còn phụ nữ Singapore và Anh thì có cuộc sống riêng và đặc biệt phụ nữ Singapore rất được chiều chuộng. Có thể “đi guốc” của nhiều dân tộc khác nhau và suy nghĩ như họ quả là điều tuyệt vời”.

Hãy để người trẻ chinh chiến

Bàn về vấn đề “chảy máu chất xám”, anh cho rằng chúng ta nên mừng vì từ sau khi bình thường hoá quan hệ với Mỹ, công dân Việt Nam có điều kiện ra nước ngoài nhiều hơn để khai trí, lập nghiệp và hoà nhập với nền văn minh nhân loại.

Theo anh, thay vì giữ “nhân tài làng” thì chúng ta nên trinh chiến để thu hút nhân tài của các quốc gia khác. Ảnh: NVCC

“Không nên kêu gọi các bạn trẻ mới tốt nghiệp hoặc mới hoàn thành khoá học Thạc sĩ, Tiến sĩ về nước ngay vì các bạn chưa có đủ trải nghiệm và chưa khẳng định chỗ đứng của mình ở các nền văn minh khác. Việc gọi các bạn trẻ ra về sớm cũng như gửi tân binh đi huấn luyện rồi bắt về nhà với mẹ chứ không cho ra chiến trường. Theo mình, khi nào các bạn có 10-15 năm kinh nghiệm, đã khẳng định được vị thế của mình ở nước ngoài thì có thể về. Lúc đó đã có vốn liếng, mạng lưới mối quan hệ quốc tế, tiếng nói trong cộng đồng chuyên môn thế giới nên có thể giúp Việt Nam nhiều hơn, có chiều sâu hơn và theo phong cách hiện đại” – anh Việt chia sẻ quan điểm.

Theo anh, Chính phủ, các cơ quan và doanh nghiệp không nên ưu đãi nhân lực chỉ vì yếu tố nước ngoài.

Thay vào đó, hãy tập trung xây dựng cơ chế trọng dụng người tài nhất quán, minh bạch và được trả công xứng đáng theo thị trường.

“Theo mình nên bỏ biên chế và dùng cơ chế thị trường như Singapore để lương công chức, quan chức được cao như khối tư nhân để thu hút nhân tài. Người tài ở đâu cũng quý, thay vì lo lắng ưu đãi cho giới trẻ Việt Nam ở nước ngoài thì hãy tuyển dụng người tài trong khu vực hay quốc tế sang Việt Nam làm việc. Chúng ta phải cạnh tranh với các quốc gia khác để thu hút nhân tài. Thay vì giữ “nhân tài làng” thì chúng ta nên chinh chiến để thu hút nhân tài của các quốc gia khác”.

“Có một nhóm nhân tài ít được đề cập đến, đó là các nhà khoa học, doanh nhân Việt Nam rời đất nước những năm 70, 80, 90 và định cư tại Mỹ, Canada, Úc, Pháp, Anh. Theo mình, Chính phủ cần phải cởi mở hơn vì những nhân tài này vì họ đã được thử thách, trưởng thành và thành danh trên khắp thế giới. Họ sẽ có khả năng đóng góp có chiều sâu hơn các bạn trẻ vì họ có thực tài, thực tâm và bản lĩnh”.

Các bạn trẻ cần duy trì các tài khoản online

Anh Việt cho rằng, các bạn trẻ học tập ở trong nước vẫn có rất nhiều cơ hội để được thực tập và làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: NVCC

Ngoài công việc chuyên môn ở Bloomberg, anh Việt còn tham gia phỏng vấn nhân viên (junior sofrware engineer) và thực tập sinh cho công ty. A

nh nhận thấy các ứng viên trúng tuyển đều có những đặc điểm chung sau: nắm rõ những kinh nghiệm mà mình viết trong CV, chuẩn bị tốt về kiến thức chuyên môn, thực hành nhiều, từng đi thực tập/ làm thêm, biết đặt câu hỏi liên quan và bình tĩnh, giao tiếp tự tin, hiệu quả.

Đặc biệt, anh lưu ý: “Sự dị biệt của những kỹ sư phần mềm trong phim ảnh không có chỗ đứng trong các công ty phần mềm. Ngôn ngữ là lớp vỏ của tư duy. Giao tiếp hiệu quả và mạch lạc thể hiện khả năng tư duy tốt và giúp ích rất nhiều trong công việc”.

“Với những bạn trẻ học tập ở Việt Nam, theo anh, vẫn có rất nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho các công ty nước ngoài ở Việt Nam hoặc các doanh nghiệp ngoài nước.

“Như ở công ty mình có chính sách không phân biệt bằng cấp, quốc tịch, sắc tộc, tôn giáo, giới tính và yếu tố quyết định để mời làm việc là kinh nghiệm liên quan và phỏng vấn đạt. Ngày nay việc thống kê dữ liệu tuyển dụng được đẩy mạnh và nhiều công ty nhận ra rằng trường học hay quốc gia không phải yếu tố để loại ứng viên”.

“Bloomberg, Google, Facebook sẵn sàng nhận ứng viên từ khắp mọi nơi trên thế giới và mời bay sang, tài trợ tiền vé và khách sạn để phỏng vấn vòng cuối. Các ngân hàng và quỹ đầu tư thì không hào phóng như vậy”.

Anh đưa lời khuyên cho các bạn trẻ trong nước: “Các bạn sinh viên Việt Nam, đặc biệt là các bạn làm lĩnh vực công nghệ cần phải giao tiếp tiếng Anh thật tốt, nắm vững căn bản và quan trọng nhất là mạnh dạn gửi resume ra ngoài Việt Nam, và tập trung vào các hãng công nghệ như Bloomberg, Google, Facebook, Amazon, PayPal, …”

Theo anh, thời sinh viên các bạn có thể xin thực tập hoặc vừa làm vừa đi du lịch nước ngoài với tổ chức AIESEC và một số chương trình “work and travel”. Đến khi đi làm có thể làm cho các công ty đa quốc gia tại Việt Nam và khi làm thật tốt có thể đề nghị được luân chuyển sang quốc gia khác.

“Ngày nay nhân tài về công nghệ thông tin, UX (trải nghiệm người dùng) rất được các công ty săn đón. Các bạn cần phải duy trì các tài khoản online (online presence) bằng cách sử dụng LinkedIn, GitHub, StackOverflow, Behance, Pinterest, Twitter, Quora, viết blog, … Hãy kết nối với các chuyên gia hàng đầu qua Twitter, viết bài ở LinkedIn, đăng mẫu thiết kế lên Behance, Pinterest, viết câu trả lời cho StackOverflow, Quora, … và bạn sẽ được các công ty, khách hàng và ‘headhunter’ tìm thấy”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP