Giáo dục

Kỷ luật "ngọt ngào và êm ái" thế này thì ai cũng muốn vi phạm

Ít thấy ai bị cách chức điều chuyển xuống làm nhân viên hay sa thải ra khỏi ngành.

Nghệ An: Điều động hiệu trưởng bị kỷ luật về Phòng GD-ĐT huyện làm việc
Nghệ An: Nhà trường thu tiền xã hội hóa kiểu “lách luật”
Sở GDĐT Nghệ An chỉ đạo xử lý vụ “Những góc khuất ở trường chuẩn quốc gia“
Trường chuẩn quốc gia ký hợp đồng “lách luật” với giáo viên: “Vênh” giữa thực tế và chính sách?
Những góc khuất phía sau một trường chuẩn quốc gia: Họp phụ huynh bất thường
Nghệ An: Những góc khuất phía sau một trường chuẩn quốc gia

LTS: Việc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An kỉ luật Hiệu trưởng trường mầm non Hưng Thắng vì lạm thu chưa thỏa đáng khiến dư luận bất bình.

Cô giáo Phan Tuyết cho rằng cơ quan quản lý cần nghiêm minh và công tâm hơn nữa trong việc xử lý kỉ luật, tránh tình trạng phạt mà như "thăng chức".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Năm học nào cũng thế, chuyện lạm thu trong các trường học luôn là đề tài nóng trên các diễn đàn. Dư luận nhiều phen choáng váng với những mức thu “trên trời” của nhiều trường học trên cả nước.

Sau những phản ánh của phụ huynh, từng đoàn thanh kiểm tra được thành lập rồi những mức kỉ luật cũng được đưa ra nhưng lạm thu vẫn không thể chấm dứt.

Nhiều chuyên gia đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này nhưng những sai phạm của những năm học sau lại trầm trọng hơn năm học trước.

Nhiều người hỏi nguyên nhân vì sao? Câu trả lời duy nhất do chúng ta còn áp dụng hình thức kỉ luật quá “êm ái” với những sai phạm của cấp lãnh đạo.

Kỉ luật thế này ai cũng muốn vi phạm

Hàng trăm phụ huynh trường Mầm non Hưng Thắng huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An đã phản đối việc Hiệu trưởng nhà trường Lê Thị Thu Hà đã có nhiều sai phạm.

Cụ thể là kê khống khoản chi mua đồ dùng học tập của học sinh, thu tiền học phí tháng thứ 10, vận động đóng góp khi chưa được phê duyệt của cấp trên...

Sau khi thanh tra và kết luận những phản ánh của phụ huynh là đúng, số tiền nhà trường thu sai quy định đã được trả lại cho phụ huynh.

Cô Lê Thị Thu Hà bị kỉ luật mức cảnh cáo, kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng và không được xét thi đua trong năm học 2016-2017.

Điều đáng nói nhất là vị iệu trưởng này lại được điều động về Phòng Giáo dục Đào tạo của huyện kể từ ngày 1/1/2017.



Cô Hà được điều động về Phòng Giáo dục huyện để làm gì?

Xác nhận với Zing.vn, ông Hoàng Văn Thụ - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Nguyên - cho biết việc điều động cô Hà về Phòng không phải thăng chức mà để "chấn chỉnh".

Câu trả lời của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Nguyên có điều gì đó thật khó hiểu, điều về công tác tại phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ để “chấn chỉnh”.

Phòng Giáo dục và Đào tạo đâu phải là nơi “thi hành án người bị kỉ luật?”. Đây là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Nói cụ thể hơn mọi hoạt động giáo dục ở các trường học đều do Phòng Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý và chỉ đạo.

Cô Hà, người vừa bị án kỉ luật được điều chuyển về đây rồi cũng sẽ trở thành cấp trên của Ban giám hiệu, giáo viên các trường học. Có giáo viên đùa vui “Kỉ luật kiểu này thì ai cũng muốn vi phạm”.

Kẻ thẳng tay người ưu ái

Cũng làm trong ngành Giáo dục, cũng là vi phạm nhưng số phận giữa giáo viên và Ban giám hiệu được xử lý theo kiểu “một trời một vực”.

Giáo viên chỉ cần vi phạm những điều không được làm như bạo hành với học sinh gây thương tích hoặc nhẹ hơn là xúc phạm học sinh, phạt roi vào mông, vào tay khi các em lười học đã bị đình chỉ giảng dạy, có người còn bị kỉ luật cho ra khỏi ngành.

Xét cho cùng, thầy cô vướng vào việc bạo hành học sinh cũng xuất phát từ những suy nghĩ tốt muốn các em học hành chăm ngoan nhưng do một số thầy cô chưa biết kìm chế cơn nóng giận, quá nóng vội mới xảy ra hậu quả.

Dù thế, họ vẫn không có được cơ hội để sữa chữa sai lầm của mình.

Nhưng việc hiệu trưởng dính vào lạm thu lại hoàn toàn khác. Sai phạm này có sự tính toán, xuất phát từ động cơ, mục đích xấu.

Việc làm này còn gây ra dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, làm mất thời gian công sức của các ban ngành liên quan từ việc kiểm tra, xử lý…

Vậy lẽ ra, mức kỉ luật với những hiệu trưởng lạm thu phải nặng hơn nhiều so với việc kỉ luật các thầy cô giáo vi phạm.

Nhưng từ trước đến nay, những hiệu trưởng liên quan đến việc lạm thu thường nhận được những mức án khá nhẹ nhàng như khiển trách, nhắc nhở, cảnh cáo, lùi thời hạn tăng lương, không xét thi đua, nặng hơn thì chuyển trường, chuyển vị trí công tác (lên cao hơn)…

Chứ ít thấy ai bị cách chức điều chuyển xuống làm nhân viên hay sa thải ra khỏi ngành.

Muốn chấm dứt lạm thu ở các trường học thì các nhà quản lý giáo dục cần mạnh tay hơn với những sai phạm của các hiệu trưởng. Còn kỉ luật theo kiểu “ngọt ngào êm ái” thế này, thì lạm thu sẽ mãi là vấn nạn.

Tác giả bài viết: Phan Tuyết

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP