Du lịch

Kinh nghiệm thực tế đi Cửu Trại Câu mùa đông

Đầu đông Cửu Trại Câu vẫn đẹp mê hồn, vắng người, giá vé tham quan lại rẻ hơn nhiều so với cao điểm mùa thu.

Cửu Trại Câu là một danh thắng nổi tiếng không chỉ của Trung Quốc mà cả thế giới và được mệnh danh là "Thiên đường nơi hạ giới". Sau chuyến du lịch ngắn ngày đến Cửu Trại Câu, Tứ Xuyên, Trung Quốc vào những ngày đầu đông, nghệ sĩ vẽ truyện tranh Nguyễn Thành Phong đã chia sẻ kinh nghiệm tự rút ra trên trang cá nhân. Những chia sẻ thực tế này nhận được rất nhiều "like" và bình luận thích thú.

Anh Nguyễn Thành Phong có chuyến đi ít ngày nhưng đáng nhớ tới Cửu Trại Câu cuối tháng 11 vừa qua.

1. Du lịch tự túc tại Trung Quốc khi không biết tiếng Trung là một cực hình

Bạn có thể bị xe chất lượng cao bán cho xe đò mà không biết, hoặc phải gọi món ăn bằng cách đi từng bàn và chỉ vào món ăn của người khác để chọn. Nói chung là mất thời gian gấp đôi. Vớt vát là nếu có bị chửi cũng không hiểu.

2. Rất nhiều mạng xã hội bị cấm

- Google bị cấm ở Trung Quốc, không dùng được bản đồ, không dịch, không tìm kiếm, không down app của Android... trừ khi cài trước VPN (recommend: OpenVPN, VPN master, Betternet) nhưng tốc độ sẽ siêu chậm.

- Tương tự với Facebook, Youtube, Instagram... cùng rất nhiều website khác

- Yahoo không bị chặn nên có thể tìm kiếm và check mail bằng Yahoo. Skype cũng không bị chặn.

3. Giá cả

- 1 Nhân dân tệ (Yuan) = 3.500 VND.

- Sim 4G có cách tính phí rất cao, 150 Yuan (khoảng 500.000 đồng) chỉ được free 500 MB, phí quá cước giá cắt cổ hoặc là do không may mắn.

4. Cửu Trại Câu mùa đông vẫn tuyệt đẹp


Cảnh sắc lãng mạn và thơ mộng không bút nào tả xiết.

Cửu Trại Câu truyền rằng đẹp nhất vào mùa thu, tháng 10, lá đỏ lá vàng rất ảo. Nhưng nếu không thích đông người, bạn có thể đi mùa này. Lá đã chuyển sang nâu, tím và xám nhưng cảnh vẫn ảo. Nước ở đây trong và xanh không thể tin được. Vé vào cửa mùa vắng là 80 Yuan (chỉ bằng 1/3 so với đợt cao điểm). Nếu bạn mua vé 2 ngày vào mùa đông thì ngày thứ 2 chỉ thêm 20 Yuan.

- Khu vực này rộng nên cần mua vé xe Green Bus (80 Yuan) đi được nhiều lần và có rất nhiều chuyến liên tục giữa các điểm tham quan. Xe Green Bus đi từ cổng tới trạm trung tâm ở giữa rồi rẽ nhánh hình chữ Y. Mùa đông nhánh bên phải sẽ không được tham quan tới một số điểm cuối, một số đường đi bộ cũng sẽ bị đóng lại. Nếu muốn thư thả đi hết các điểm sẽ cần 2 ngày.

- Đồ ăn ở trong Cửu Trại Câu đắt, nên chuẩn bị đồ ăn từ ngoài mang vào. Nên mua ở các siêu thị bên ngoài. Cơm hộp tự làm nóng khá hay và có nhiều vị để chọn.

- Quán ăn bên ngoài Cửu Trại Câu cũng đắt và đa số là món Tứ Xuyên. Ai muốn đồ ăn Tây Tạng thì có quán Abulu-zi rất ngon, phục vụ tốt và biết tiếng Anh. Giá ngang hoặc đắt hơn các quán Tứ Xuyên khác một chút.

- Lẩu và đậu phụ Tứ Xuyên ngon nhưng siêu cay. Chỉ bước vào quán đã thấy không khí sặc mùi ớt và hồ tiêu. Nếu không ăn được cực cay thì phải nói với nhân viên phục vụ khi gọi món.

5. Đi lại ở Thành Đô

Có thể lựa chọn giữa taxi (8 Yuan cho 2 km đầu, 1,5 Yuan cho các km tiếp theo), buýt, metro hay xe ôm hoặc xe ba bánh. Taxi không biết tiếng Anh nên hơi khó giao tiếp kể cả dùng Google Translate, và cũng có trò từ chối khách đi đoạn đường gần, tương tự như ở Việt Nam. Đi từ trung tâm Thành Đô ra sân bay khoảng 50-60 Yuan. Metro và buýt rẻ hơn và tìm đường cũng đơn giản hơn, trừ giờ tan tầm vì đông. Xe ôm và 3 bánh giao tiếp như taxi, giá thì có thể mặc cả và chạy ẩu như không có ngày mai (cẩn thận với đám này khi đang đi bộ).

6. Từ Thành Đô đi Cửu Trại Câu

Bằng xe buýt chất lượng cao khoảng 140-150 Yuan, đi mất 9-10 tiếng, xe dừng mỗi 1-2 tiếng/lần. Mua vé ở bến xe Xinnanmen gần quảng trường trung tâm Thiên Phủ. Nên mua vé trước kẻo mất chỗ, bị bán cho xe đò. Xe đò bắt khách dọc đường và chỉ dừng 1-2 lần cho cả chuyến, rất mệt. Còn không thèm đưa mình về bến xe mà thả trước trạm metro cách trung tâm gần 20 km.

7. Tới Huanglong


Thác nước quen thuộc trong bộ phim Tây Du Ký phiên bản 1986 ở Huanglong.

- Từ Cửu Trại Câu có thể đặt taxi tới Huanglong có nhiều suối và hồ đẹp tuyệt, kể cả vào mùa đông khi nước suối hồ đóng băng. Xe chở ít nhất là 4 người, giá vé cho một người là 120 Yuan/2 chiều. Huanglong cách Cửu Trại Câu khoảng 150 km, đi hết 2 tiếng rưỡi, cảnh vật trên đường đẹp tuyệt. Gọi xe từ khách sạn tại Cửu Trại Câu có thể đắt hơn thỏa thuận trực tiếp với lái xe bên ngoài.

- Vé mùa đông ở Huanglong là 60 Yuan/người. Mùa đông tuyến đường mòn sẽ bị đóng do băng tuyết, chỉ được đi tuyến đường gỗ dài hơn. Nếu bạn không chụp ảnh thì có thể lên và xuống trong vòng 4 tiếng. Nếu muốn chụp ảnh lai rai thì phải sắp xếp nhiều thời gian hơn và thỏa thuận giờ để taxi quay lại đón.

- Mang đủ quần áo ấm vì nhiệt độ ngoài trời trên dưới 0 độ, trong bóng râm thì rét cắt da.

8. Núi Nga Mi

Nga Mi Sơn rất lớn, không chỉ là quả núi có ni cô tu luyện mà lớn bằng cả thành phố. Từ cửa vào tới đỉnh núi tới hơn 30 km. Đi hết trong một ngày rất khó. Vé vào cửa siêu đắt 185 Yuan/người. Xe buýt (đi được 2 lần) giá 90 hoặc 40 Yuan nếu đi nửa tuyến. Cáp treo thêm 65 Yuan nữa cho một chặng. Cảnh vật bên đường chẳng khác chùa Hương mấy, cũng nhiều hàng bán đồ lưu niệm và mấy củ quả thuốc bắc đặc sản trên núi.

- Leshan có tượng phật khổng lồ, chỗ này cũng khá hay.

9. Xếp hàng

Người Trung Quốc nổi tiếng vụ chen lấn khi xếp hàng nên lúc ra sân bay cần xếp hàng càng sớm càng tốt.

10. Nhà vệ sinh công cộng

Ở các điểm du lịch và ở các trạm dọc đường trường nhà vệ sinh công cộng khá bẩn. Hình dung toilet hồi tiểu học của bạn và nhân lên 10 lần thì sẽ gần đạt được độ bẩn ở đây. Cần tự mang theo nước rửa tay, giấy vệ sinh và một thần kinh thép. Nếu may mắn bạn có thể vớ được toilet có cửa và không ngập trong mùi hôi.

11. Chắc chắn còn quay lại

Chuyến đi Tứ Xuyên này làm mình hoàn toàn hài lòng (bàng hoàng sửng sốt) về phong cảnh thiên nhiên ở đây. Hơi tiếc vì không biết tiếng Trung và không nghiên cứu, chuẩn bị trước nhiều nên chưa thấy kết nối và tìm hiểu được về văn hóa. Mình vẫn muốn quay lại Tứ Xuyên và các vùng khác nữa của Trung Quốc, nhưng lần sau chắc cần có phiên dịch hoặc người biết tiếng Trung trong đoàn để có trải nghiệm trọn vẹn hơn.







Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP