Du lịch

Kim tự tháp duy nhất ở châu Âu

Lấy cảm hứng từ kim tự tháp Giza ở Ai Cập công trình độc đáo của Hà Lan chỉ xây trong 27 ngày và sụp đổ không lâu sau đó.

Tại điểm cao nhất của Utrecht Ridge, nằm trong ngôi làng Woudenberg ở Hà Lan, có một kim tự tháp được xem là độc nhất châu Âu. Nó là một ngọn đồi bằng đất, cao 36m, do binh lính Pháp xây dựng vào năm 1804 theo lệnh của tướng Marmont. Với Marmont, đây là một tượng đài để các thế hệ sau tưởng nhớ đến sự hiện diện của cha ông họ trên mảnh đất này, đồng thời cũng để bày tỏ sự kính trọng đến hoàng đế Napoleon Bonaparte (mặc dù sau này Marmont phản bội Napoleon).

Kiến trúc kim tự tháp lấy cảm hứng từ công trình nổi tiếng ở Ai Cập.


Năm 1804, tướng Auguste de Marmont của Pháp thiết lập một doanh trại quân đội tại Utrecht thuộc miền bắc Austerlitz, để huấn luyện binh lính thành một đội quân chính quy lớn, đủ sức đánh bại quân Anh nếu họ muốn lặp lại cuộc xâm lược năm 1799. Hài lòng với kết quả huấn luyện và không muốn quân lính có thời gian buồn chán, tướng Marmont đã ra lệnh cho binh lính xây dựng một khu tượng đài bằng đất nện, lấy cảm hứng từ kim tự tháp Giza mà ông đã nhìn thấy vào năm 1798 trong chiến dịch tấn công Ai Cập của Napoleon.

Kim tự tháp được binh lính của Marmont xây dựng chỉ trong vòng 27 ngày và cấu trúc cao đến 36m. Phần đỉnh của kim tự tháp bằng phẳng, trên đó dựng lên một đài tưởng niệm bằng gỗ cao 13m. Tướng Marmont gọi kim tự tháp là "Mont Marmont". Nhưng vào năm 1806, bất chấp sự phản đối của ông, Louis Napoleon, vị vua mới của Hà Lan đã đổi tên thành đồi Kim tự tháp Austerlitz để tưởng nhớ trận đánh tại Austerlitz, trong đó Napoleon hạ quyết tâm đánh bại quân Nga và Áo.

Đến năm 1894, đài tưởng niệm bằng gỗ đã được thay thế bằng gạch. Tuy nhiên tướng Marmont đã sai lầm khi quá hấp tấp trong xây dựng. Công trình kim tự tháp này không có ngay cả một "chân đế" thích hợp. Nó đơn giản chỉ là một đống đất và cát. Vậy là kim tự tháp bắt đầu sụp đổ không lâu sau khi xây dựng.

Kim tự tháp nhìn từ trên cao.


Marmont đã cố gắng giữ nó trong tình trạng tốt, nhưng người dân địa phương phá hoại nó bằng cách lấy đi các tảng đá. Vị tướng vô cùng thất vọng đã bán kim tự tháp và các khu đất xung quanh cho Hubert M.A.J. van Asch van Wijk, người sau này trở thành thị trưởng của thành phố bên cạnh Utrecht.

Mãi cho đến năm 2004, chính quyền địa phương quyết định tiến hành kế hoạch trùng tu kim tự tháp Austerlitz nhằm biến nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch tầm cỡ trong vùng. Hiện tại, lễ hội tái hiện những trận đánh và chiến thắng lừng lẫy của Napoleon tại Austerlitz thường xuyên được tổ chức nhằm phục vụ khách tham quan kim tự tháp.

Tác giả bài viết: Tuấn Quyền

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP