Xã hội

Kiên quyết miễn nhiệm, bãi miễn cán bộ yếu kém

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành nghị quyết, yêu cầu thực hiện nghiêm chế độ miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ngày 25/10/2017, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Hội nghị Trung ương 6 vừa qua dành nhiều thời lượng bàn về vấn đề tinh gọn, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước

Thay thế kịp thời cán bộ kém năng lực, đạo đức

Theo đó, bên cạnh những mặt đạt được, Ban Chấp hành trung ương Đảng đánh giá, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

Tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng; số lãnh đạo cấp phó nhiều; việc bổ nhiệm cấp "hàm" ở một số cơ quan trung ương chưa hợp lý. Tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội chậm đổi mới, một số nhiệm vụ còn trùng lắp, vẫn còn tình trạng "hành chính hoá", "công chức hoá"…

Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố; chính sách tiền lương còn bất cập. Công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên ở một số địa bàn và trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước còn khó khăn.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2021 sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố, giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.

Từ năm 2021 đến năm 2030, thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị.

Nghị quyết 18 đề rõ yêu cầu thực hiện nghiêm chế độ miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo Nghị quyết 18, ngoài việc kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của các ban bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cán bộ, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc nhanh chóng khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng và sơ kết, đánh giá vai trò trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên để có giải pháp phù hợp trong việc bố trí, giới thiệu đảng viên ứng cử. Đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước.

Thực hiện mô hình "nhất thể hoá" ở cấp huyện

Vấn đề “nhất thể hoá”, Nghị quyết 18 nêu rõ chủ trương của Trung ương Đảng: cơ bản thực hiện mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp; thực hiện Bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện.

Thực hiện trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Cơ bản hợp nhất văn phòng cấp uỷ với văn phòng HĐND, UBND cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện.

Thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước, cơ quan của Đảng và MTTQ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi có đủ điều kiện.

Với bộ máy Quốc hội, Nghị quyết 18 định hướng thực hiện tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách; giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp. Sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Giảm tối đa các ban quản lý dự án. Kiên quyết hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế; thực hiện cơ chế khoán kinh phí theo nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội.

Với khối cơ quan Chính phủ, Ban chấp hành Trung ương yêu cầu rà soát nhiệm vụ, quyền hạn để phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương để góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Quân uỷ Trung ương, Đảng uỷ Công an Trung ương xây dựng đề án riêng rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng quân đội, công an theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang.

Thực hiện thí điểm trưởng Ban Dân vận đồng thời là chủ tịch MTTQ ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi đủ điều kiện.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP