Trong nước

Kiến nghị phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng như hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Bộ KH&ĐT. Ảnh TTXVN

Sáng 19/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Bộ KH&ĐT. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt Bộ KH&ĐT đề xuất Thủ tướng một số kiến nghị.

Bộ KH&ĐT đề xuất Thủ tướng cho phép triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án về mô hình tổ chức cơ quan Bộ theo hướng hình thành một cơ quan có chức năng chủ yếu về cải cách và phát triển.

Bộ cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo tổ chức họp Hội đồng quy hoạch quốc gia và sớm nghe Bộ KH&ĐT báo cáo về đề án phân vùng kinh tế để kịp thời phục vụ cho công tác xây dựng quy hoạch vùng.

Ngoài ra, Chính phủ sớm ký Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Quy hoạch và một số nghị quyết liên quan.

Theo Bộ KH&ĐT, các quy hoạch vùng được lập trước đây chỉ còn hiệu lực đến năm 2020. Để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, tạo không gian mới cho tăng trưởng, cải cách kinh tế, thì phải tiến hành phân vùng để lập các quy hoạch vùng cho giai đoạn 2021-2030.

Bộ KH&ĐT đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng như hiện nay.

Đó là vùng Đông Bắc (7 tỉnh): Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang.

Vùng Tây Bắc (7 tỉnh): Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Vùng Bắc Trung Bộ (gồm 5 tỉnh): Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Vùng Nam Trung Bộ (Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) gồm 11 tỉnh/thành phố gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Vùng Đông Nam Bộ gồm 9 tỉnh/thành phố: Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh/thành phố: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây là các văn bản được các bộ, ngành, địa phương rất mong chờ để sớm triển khai các hoạt động xây dựng quy hoạch theo quy định của luật, phục vụ cho công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như của các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với thời gian tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc và các cấp.

Đồng thời, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức, nghiên cứu, xây dựng đề án về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác tham mưu cơ chế, chính sách. Việc này sẽ tăng cường sự chủ động và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, tham mưu cơ chế, chính sách. Từ đó rút ngắn thời gian tham gia, góp ý cũng như tiết kiệm chi phí, thời gian cho việc tổ chức họp nhiều vòng trước khi xem xét, quyết định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước.

Ngoài ra, Bộ đề xuất cho phép xây dựng đề án thực hiện xây dựng trung tâm điều hành kinh tế - xã hội của ngành kế hoạch, đầu tư, thống kê theo hướng phù hợp với định hướng xây dựng chính phủ điện tử, tích hợp cơ sở dữ liệu lớn, gắn với định hướng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.

Tác giả: Minh Lê

Nguồn tin: Báo điện tử Petrotimes

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP