Giáo dục

Không nên đưa giáo viên thừa ở bậc trung học sang dạy mầm non

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng: “Việc đưa giáo viên THCS dôi dư xuống dạy mầm non là giải pháp tình thế bất đắc dĩ”.

Điều chuyển giáo viên là giải pháp tình thế bất đắc dĩ

Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học từ mầm non tới phổ thông.

Trước thực trạng này, có ý kiến cho rằng, nơi nào thiếu giáo viên mầm non, tiểu học thì có thể luân chuyển giáo viên bậc phổ thông (THCS, THPT) sang giảng dạy.

Nhìn nhận vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng: “Việc đưa giáo viên THCS dôi dư xuống dạy mầm non là giải pháp tình thế bất đắc dĩ”.

Tại Nghệ An đã triển khai việc này được hai năm vì có nhiều giáo viên hợp đồng 12-13 năm mà các cơ chế chính sách không được bảo đảm.

Do đó, việc chuyển những giáo viên dôi dư xuống dạy mầm non sẽ bảo đảm được đầy đủ các quyền lợi, cơ chế, chính sách đối với các thầy, cô giáo nhưng những giáo viên này sẽ chỉ là giáo viên thứ 2 trong lớp còn giáo viên thứ nhất vẫn phải bảo đảm đúng chuẩn giáo viên mầm non.

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình, ông Đặng Phương Bắc cũng cho rằng, việc đưa giáo viên THCS xuống dạy mầm non là không thích hợp.

giao vien
Tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học từ mầm non tới phổ thông (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Tại Thái Bình với số lượng khoảng 24.000 giáo viên các cấp dù đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ các cấp học nhưng đối với mầm non còn thiếu, THCS lại dôi dư khoảng hơn 1.000 giáo viên.

Mặc dù vậy, địa phương xử lý bằng giải pháp điều chuyển cùng bậc dạy học.

Ví dụ, giáo viên văn dôi dư dưới 45 tuổi sẽ được chuyển sang trường cao đẳng sư phạm đào tạo dạy môn Giáo dục công dân, Địa lý... là các môn học còn thiếu; giáo viên môn Toán dôi dư có thể được cử đi học để sắp xếp dạy Sinh học, Tin học...

Đối với những giáo viên cao tuổi sẽ bố trí làm công tác thiết bị thí nghiệm... của chính cấp học THCS.

“Giáo viên dạy mầm non điều đầu tiên là phải biết dỗ dành, chăm nuôi rồi mới dạy bảo trẻ. Những kỹ năng như vậy thì giáo viên THCS không có được cho nên việc điều chuyển giáo viên THCS xuống mầm non là không hợp lý” - ông Bắc lý giải.


Xây dựng tiêu chí cụ thể, minh bạch đối với giáo viên dôi dư

Là một trong những địa phương “nổi cộm” với bất cập thừa – thiếu giáo viên, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện Thanh Hóa thừa 2.188 giáo viên cấp THCS, thiếu 1.405 giáo viên ở bậc Mầm non.

Bà Phạm Thị Hằng thừa nhận, tình trạng thừa-thiếu giáo viên ở các bậc học không chỉ xảy ra ở tỉnh Thanh Hóa mà còn ở nhiều địa phương khác.

Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa giáo viên ở bậc THCS nhưng lại thiếu ở bậc mầm non là do sự biến động về dân số, quy mô học sinh ở các bậc học...trong khi các cơ quan Nhà nước đang thực hiện tinh giản biên chế.

Trước tình trạng thừa – thiếu giáo viên này, bà Hằng cho biết, ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa đang đề xuất với địa phương và Bộ GD&ĐT có biện pháp đảm bảo đủ giáo viên ở bậc mầm non và giải quyết tình trạng thừa giáo viên ở bậc THCS để tránh tình trạng thừa ở bậc học này nhưng lại thiếu ở bậc học kia.

Theo đó, Thanh Hóa vẫn đang giao các địa phương khảo sát thống kê số giáo viên dôi dư ở bậc THCS và hướng sắp tới sẽ là chuyển xuống dạy ở bậc mầm non, tiểu học một cách có phân loại.

Ví dụ như giáo viên dạy các môn đặc thù về Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, tiếng Anh ở bậc THCS thì có thể chuyển xuống dạy ở bậc tiểu học và sẽ được bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp dạy học, đào tạo phù hợp với tâm lý ở bậc học này.

Còn đối với giáo viên dạy Toán, Ngữ văn ở bậc THCS cũng sẽ được bố trí xuống dạy những môn này ở bậc tiểu học.

Tuy nhiên, hiện nay, việc chuyển giáo viên THCS xuống dạy ở bậc mầm non đang có nhiều băn khoăn vì cho rằng không phù hợp.

Do đó, để giải quyết lo lắng này, ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa có hướng là có thể đưa giáo viên THCS xuống dạy học ở bậc mầm non nhưng để họ dạy các môn học phụ hoặc là nhân viên hành chính và phải đáp ứng được về độ tuổi giảng dạy.

Nói về băn khoăn làm thế nào để đảm bảo công bằng trong việc xét/ xếp các giáo viên vào dạng dôi dư, bà Hằng cho hay, các địa phương của tỉnh Thanh Hóa đều phải xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và có hội đồng công khai, minh bạch khách quan các tiêu chí này. Việc xét cũng như điều chuyển phải được làm thận trọng.

Cách đây vài năm, trong các cuộc họp với UBND, HĐND tỉnh Thanh Hóa, ngành Giáo dục đã báo cáo rất rõ về tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên ở các bậc học.

Đến nay, tình trạng này đã được phản ánh rõ nên Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa phải rà soát lại kỹ để không ảnh hưởng lớn đến số lượng, cơ cấu giáo viên ở các bộ môn và chất lượng giáo dục.

Vừa qua, một số huyện của tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng giáo viên hợp đồng chưa đúng quy định, bà Hằng cho biết:

“Sau khi báo chí vào cuộc, ngành Giáo dục địa phương có sự tuyên truyền, giải thích và làm việc cụ thể với các huyện giải quyết các chế độ cho giáo viên nên tình trạng giáo viên khiếu kiện đã chấm dứt, những giáo viên đó đã được chi trả chế độ.

Nếu những bậc học đang còn thiếu giáo viên thì sắp tới tỉnh sẽ tiếp tục mở đợt tuyển dụng. Còn những giáo viên đã giảng dạy hợp đồng trước đây vẫn có thể tham gia vào những đợt tuyển dụng sắp tới”, bà Hằng lưu ý.

Bày tỏ chia sẻ với thách thức của nhiều địa phương về tình hình thừa thiếu, dôi dư giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý, đành rằng việc điều chuyển thừa – thiếu giữa các bậc học là tình thế nhưng chúng ta vẫn phải tôn trọng chất lượng.

Bởi khi tiến hành vội vã rất có thể tiềm ẩn nguy cơ khôn lường về sau, chẳng hạn có thể “đẻ” thêm nhiều hiện tượng giáo viên bạo hành trẻ.

“Thiếu thì thiếu rồi, chứ không phải một vài tháng nay mới thiếu. Không phải vì thiếu quá mà chúng ta cứ dồn là dồn, nóng vội thì hậu quả tiềm ẩn rất lớn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Thùy Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP